Ngôi làng nơi trẻ nhỏ phải tự tử vì bị bố mẹ bỏ rơi

Thay vì được đến trường, bé Ma Juan (8 tuổi) hàng ngày quanh quẩn với cọng dây chun được căng bởi hai chiếc ghế đẩu bên đường để cùng chị gái 10 tuổi chơi lò cò. Trong khi những đứa trẻ khác đang được cùng bố mẹ tận hưởng những ngày nghỉ hè đầy thú vị thì Ma Juan dường như chưa bao giờ được bước chân ra khỏi mấy mét vuông của căn nhà tồi tàn ở làng Cizhu.

Ngôi làng của những đứa trẻ chung số phận

Làng Cizhu, cách thị trấn Tất Tiết, Tỉnh Quý Châu khoảng 3 giờ lái xe. Đó là một khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi những người dân kham khổ đều phải rời bỏ làng quê lên mưu sinh ở những thành phố lớn. Và cũng chính nơi đây, 2 năm về trước, một vụ án mạng kinh khủng từng làm rúng động cả đất nước Trung Quốc. 4 đứa bé vô tội, 4 anh chị em của một gia đình đã cùng nhau uống thuốc sâu tự tử vì bị bố mẹ bỏ rơi, khi tụi nhỏ chỉ mới từ 5 đến 13 tuổi, Thời báo Nam Hoa buổi sáng đưa tin.

Một người đàn ông đang đứng trước tấm biểu ngữ kêu gọi chăm sóc trẻ em được đặt tại làng Cizhu. Ảnh: SCMP

Cùng chung số phận như vậy, mẹ của bé Ma Juan đã rời bỏ con từ lúc bé mới 3 tháng tuổi, bố của chúng cũng phải dứt áo ra đi mưu sinh ở một công trường tại tỉnh Sơn Đông cách đó gần 1800 cây số. Thời điểm để nó có thể nhìn thấy bố nó là dịp Tết Nguyên đán, anh trở về vội vã với vài món quà cho hai chị em nó rồi lại tiếp tục ra đi.

“Con ghét cha lắm, cha chẳng bao giờ chơi với con” -Juan nói

Giờ hai chị em Juan sống với ông bà, cuộc sống quá khó khăn khiến tụi nhỏ phải bỏ dở việc học. Suốt ngày, hai chị em nó chỉ quẩn quanh với ông bà trong mấy chục mét vuông của căn nhà xập xệ.

Đến tận hôm nay, ngôi làng này vẫn còn không biết bao số phận trẻ nhỏ bị bố mẹ để lại với ông bà để tha phương kiếm sống. Họ vẫn biết rằng, sẽ đau thương biết bao, sẽ tổn hại đến những tâm hồn trẻ thơ thế nào nhưng vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mưu sinh, họ đều phải dứt áo ra đi.

Căn nhà hoang nơi sự việc đau lòng lấy đi sinh mạng của 4 đứa trẻ hai năm về trước. Ảnh: Shanghaiist

“Con bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng còn anh tôi biết phải làm gì bây giờ? Anh ấy không còn lựa chọn nào khác. Ít nhất thì lên thành phố kiếm tiền ảnh còn có thể mang về vài ngàn nhân dân tệ mỗi năm để lo cho cuộc sống” - Ma Fei, cô của Juan trả lời báo chí với chiếc chân vẫn còn bó bột trong một vụ tai nạn hồi tháng năm vừa rồi.

“Mỗi dịp Tết anh tôi đều về thăm và mua cho hai đứa nhỏ ít quà, nhưng tôi hiểu với tụi nhỏ như vậy là không đủ. Có một lần con bé đã khóc rất nhiều và tôi không thể nào dỗ nó được. Nó nhớ mẹ của nó, nó thậm chí không có một tấm hình của mẹ nó để biết mặt mũi mẹ nó ra sao nữa” – Fei tiếp tục kể trong sự nghẹn ngào.

Năm ngoái, theo thống kê chính thức của Trung Quốc, đã có khoảng 9 triệu trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi để đi làm xa. Còn nếu tính cả những trẻ có một trong bố hoặc mẹ bỏ đi làm thì con số đã lên đến 61 triệu trẻ. Hội đồng nhà nước đã kêu gọi chính quyền địa phương, trường học và các nhóm công tác xã hội chung tay hỗ trợ các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị bố mẹ bỏ rơi. Đồng thời, cam kết đến năm 2020 sẽ giảm số lượng trẻ bị bỏ rơi, thông qua việc cải thiện luật pháp và các quy định hiện hành.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, sau vụ việc rúng động cả nước vào năm 2015, chính quyền Thị Trấn Tất Tiết, đã làm việc với làng Xizhu. Nơi đây, số trẻ bị gia đình bỏ rơi đã lên đến 260.000 trẻ. Họ đã yêu cầu bố mẹ các bé phải trở về với con của mình trước khi có thêm những sự việc đáng tiếc xảy ra. Dù vậy, số ông bố bà mẹ rời bỏ con vẫn không giảm đi được bao nhiêu.

Thật khó để trách những bậc cha mẹ vô tâm, bởi khi đến làm việc ở nhà máy, họ được ăn ở miễn phí ở những khu kí túc xá công nhân, nhưng nếu có thêm con cái và gia đình, họ buộc phải chi trả thêm tiền thuê nhà với chi phí không ít đắt đỏ ở những thành phố lớn. Chưa kể, họ cũng sẽ không có thời gian chăm sóc tụi nhỏ, hay cho tụi nhỏ đến nhà trẻ do bởi chi phí ở đây quá cao so với những gì mà họ kiếm được.

Tiền bạc chỉ xây được ngôi nhà chứ không làm nên tổ ấm

Zhang Xinyi, 9 tuổi và anh trai Shizheng 11 tuổi đang sống với ông bà khi bố mẹ chúng đang làm việc ở một nhà máy tại Thâm Quyến. Để xây được một ngôi nhà gạch khang trang, cha mẹ của hai anh em đã phải vay mượn 100.000 nhân dân tệ và giờ đang nai lưng ra trả nợ. Sau khi nghe tin 4 đứa trẻ cùng làng tự tử, cha Xinyi cũng từng vội vả trở về nhưng khi mọi việc lắng xuống, anh lại tiếp tục ra đi để tiếp tục kiếm tiền chi trả cho những khoản vay.

“Chúng tôi thực sự quá già yếu để có thể chăm sóc tốt cho hai đưa nhỏ, nhưng không còn lựa chọn nào khác.” - Bà của Xinyi ngậm ngùi nhìn hai đứa cháu nhỏ mặt mày lem luốc, đang ngồi chơi trước ngôi nhà tường gạch mới xây của bố mẹ chúng.

Xinyi,  Shizheng cùng ông bà của hai bé. Ảnh: SCMP

Hè năm ngoái, tụi nhỏ vừa được lên thành phố thăm bố mẹ. Xinyi kể là bé không nhớ là mình đã được bố mẹ dẫn đi ăn những gì, chơi những đâu nhưng bé chỉ biết là bé rất hạnh phúc. Bây giờ, mỗi tuần bố mẹ chúng cũng đều đặn gọi điện thoại thăm hai anh em mỗi tuần để lũ trẻ bớt nhớ bố mẹ.

“Bố mẹ tụi nhỏ hứa là sẽ trở về đây sau khi chúng nó trả xong hết khoản nợ” – Ông của Xinyi nói.

Với những gia đình có một trong hai bố mẹ chịu trở về với con cái, tụi nhỏ đã thực sự hạnh phúc và cười nhiều hơn.

Fan Ruju, người mẹ của 4 đứa trẻ vừa trở về từ Yết Dương, Quảng Đông năm ngoái, còn chồng cô thì vẫn tiếp tục công việc ở nhà máy. Suốt một ngày dài, Fan quay quần với việc nấu nướng cũng như vườn tược. Ngoài việc chăm sóc cho bố mẹ chồng và 4 đứa con nhỏ, cô còn phải nuôi thêm gà lợn để bổ sung cho kinh tế gia đình. Cậu con trai lớn thì đang giúp mẹ một số công việc trong nhà còn những bé lớn hơn thì đang chạy nhảy quanh sân hoặc trèo cây sau vườn.

“Đi làm thì nhàn hơn là ở nhà nhiều, bây giờ tôi không có lấy một giây phút nào ngơi nghỉ. Kiếm tiền thì chắc chẳng bao giờ cho đủ, thôi thì chăm sóc con cái là việc quan trọng hơn cả” – Chị Fan tay quệt mồ hôi, vừa nói với giọng đầy phấn khởi.

Giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu

Tong Xiaojun, thuộc trường Đại học chính trị thanh niên Trung Hoa cho biết những nổ lực của chính quyền đã có dấu hiện khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ông bố, bà mẹ rời bỏ con cái. Yêu cầu đặt ra hiện nay cần phải có một giải pháp trọng tâm, nhằm giúp đỡ những đứa trẻ bị bỏ rơi,

“Khi cả bốn bố mẹ và ông bà vẫn ko thể chăm sóc tốt một đứa trẻ thì làm sao một chuyên viên xã hội có thể chăm sóc một nhóm những đứa trẻ bị bỏ lại. Hệ thống hiện tại không thể bao quát được hết những đứa trẻ nếu chúng ta ko có một thay đổi mang tính tập trung.Tôi nghĩ mấu chốt của việc làm công tác xã hội không phải là có những nhóm người thay thế vị trí của cha mẹ tụi trẻ như tắm rửa, dạy cho chúng học…mà phải tập trung vào việc hướng dẫn chính ông bà tụi nhỏ cách chăm sóc chúng ”- Tong nói.

Nhân viên xã hội có thể hướng dẫn ông bà những quy tắc cơ bản để giáo dục trẻ như việc dạy cho chúng làm việc nhà, hướng dẫn cho chúng những trò chơi tăng tính học hỏi, tương tác, sáng tạo… Như trong tình trạng hiện nay, nhiều gia đình thậm chí không có được một chiếc bàn phù hợp cho tụi nhỏ ngồi học tập. Chưa hết, các bậc làm cha mẹ cũng phải thường xuyên giao tiếp với con cái, lưu tâm đến từng cảm xúc của bọn trẻ nhiều hơn là việc quát mắng và bảo chúng lo học và nghe lời ông bà.

“Cha mẹ nên hỏi con cái mình về ngày hôm nay của chúng thế nào, và lưu ý đến những cảm xúc tiêu cưc của tụi nhỏ đặc biệt là những khi họ xa nhà. – Tong nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.