Nở rộ dịch vụ che giấu bê bối của quan chức Trung Quốc

“Bất kể các câu chuyện rùm beng hay nhạy cảm tới đâu, chúng tôi có thể khiến nó biến mất”, một lãnh đạo tại Yage Times, công ty quan hệ công chúng (PR) “đen” lớn nhất và khét tiếng nhất Trung Quốc khẳng định.

Nở rộ dịch vụ che giấu bê bối của quan chức Trung Quốc ảnh 1

Một đoạn quảng cáo của các công ty PR “đen” Trung Quốc

Chỉ trong vài tháng gần đây hàng chục quan chức Trung Quốc đã bị điều tra và theo con của hai quan chức cấp cao, rất nhiều người có chức có quyền trong đảng Cộng Sản nước này thực sự lo ngại.

Cụ thể, họ lo lắng rằng mạng internet, nơi câu chuyện về các vụ tham nhũng thường lan truyền nhanh chóng, khiến chính quyền phải mở các cuộc điều tra cấp cao.

Tính từ đầu năm tới nay, 42% các vụ tham nhũng là do người dân tố giác, thường thông qua các trang web. Zhang Shaolong, một quan chức tại cơ quan kỷ luật của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết.

Chính điều này đã khiến cho thị trường PR “đen” được dịp phát triển mạnh. Một khảo sát nhanh cho thấy có ít nhất 30 công ty tại Trung Quốc đang chào mời các quan chức chính phủ, những doanh nhân mờ ám hay các ngôi sao dính bê bối cơ hội xóa sạch dấu vết trên mạng.

“Chúng tôi gần đây đã giúp người đứng đầu cơ quan cảnh sát của Jieyang, tỉnh Quảng Đông xóa một loạt các câu chuyện từ các trang web, nhưng tôi không thể tiết lộ chính xác câu chuyện đó là gì”, đại diện một công ty PR “đen” có tên Geshigoufang, đang đăng quảng cáo dịch vụ trên chợ điện tử Taobao khẳng định.

“Chúng tôi có thể xóa tên khách hàng khỏi các blog, diễn đàn, các website tin tức, tiểu blog, nhìn chung là mọi thứ”, anh này cho biết thêm trước khi đưa ra một số báo giá: “Để xóa các bài viết khỏi những trang như Nhân dân nhật báo hay Tân Hoa Xã cần khoảng 13.000 nhân dân tệ (khoảng 2100 USD)”, người này cho biết thêm và giải thích rằng hai tờ báo này là của nhà nước nên chi phí cao.

“Giá có phần cao hơn bởi các website này là của chính phủ. Với trang Nhân dân nhật báo, bạn cũng phải đưa cho chúng tôi xem trang bạn muốn xóa để chúng tôi hỏi các biên tập viên xem liệu việc này có quá mạo hiểm hay không”.

Tại một công ty PR “đen” khác có tên Origin of Brightness, một người đàn ông tự giới thiệu là quản lý Liu cho biết “các công ty, cá nhân và chính phủ sử dụng dịch vụ này như một công cụ quản lý khủng hoảng. Đây là một cách hay để khiến những câu chuyện tiêu cực được giấu kín”. Ông Liu cho biết hoạt động kinh doanh hiện “khá tốt”.

Trong khi đó tại công ty Yage Times, nhiều nhóm nhân viên lùng xục Internet để tìm các bài báo có nội dung buộc tội sau đó gọi điện báo cho các bên liên quan để hỏi xem họ có muốn sử dụng dịch vụ của mình không.

Việc xóa một bài viết thường đi kèm với hành động hối lộ biên tập viên một trang web hoặc một quan chức chính phủ, người có thể ban hành lệnh chặn trang web nào đó. Không ít công ty còn sẵn sàng làm con dấu giả của chính phủ để gửi đi các thông báo kiểm duyệt thông tin giả mạo.

“Các công ty dựa vào các mối liên hệ của mình và yêu cầu xóa thông tin”, một biên tập viên tại trang Sohu, một trong những cổng thông tin lớn nhất Trung Quốc tiết lộ. “Hãng tin đó càng lớn, mức giá càng cao, nhưng sẽ luôn có sự mặc cả”, biên tập viên giấu tên này cho biết thêm.

“Bản thân các biên tập viên chỉ được hưởng một phần nhỏ, phần lớn số tiền sẽ thuộc về sếp của họ. Tôi biết một vài người đang làm việc đó và cũng có người nhờ tôi làm việc này nhưng tôi thấy rủi ro là quá cao. Ở Trung Quốc nghề nào cũng có thể có thu nhập mờ ám”, người này khẳng định

Một biên tập viên của Tân Hoa Xã cho biết bà cũng đã nghe nói đến hoạt động này nhưng cho rằng đó là một hành động “vi phạm đạo đức” và “về mặt kỹ thuật rất khó” để xóa các bài viết từ Tân Hoa Xã. Bà cũng chưa từng biết có ai từng làm việc này.

Theo tờ tạp chí kinh tế Caixin của Trung Quốc, hồi tháng 7 năm ngoái cảnh sát Trung Quốc đã lục soát và cố gắng đóng cửa công ty Yage Times. Cũng theo tạp chí này, năm ngoái Yage Times thu lời hơn 50 triệu nhân dân tệ.

Khoảng hơn 60% doanh thu của công ty trên đến từ “các quan chức chính phủ” ở các thành phố nhỏ, “bao gồm nhiều cảnh sát trưởng và lãnh đạo cấp huyện”. Thời gian đỉnh điểm của hoạt động này đến ngay trước mùa đại hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3. Đây là lúc các quan chức thường bị tố giác.

Tuy nhiên, viên quản lý tại Yage Times khẳng định họ chưa bao giờ đóng cửa. “Chúng tôi chỉ tạm dừng vài ngày. Làm sao công an có thể bắt chúng tôi”, vị này nói. “Trên thực tế tin đó đã bị một đối thủ của chúng tôi tuồn cho Caixin để hủy hoại danh tiếng của chúng tôi”.

Theo Thanh Tùng (Dân trí/Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm