Pháp: Nhà dưỡng lão bị quá tải

Theo đài phát thanh RTL, 90% các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Pháp đều đang thiếu nhân sự trầm trọng khiến chất lượng dịch vụ không bảo đảm yêu cầu, gây bất bình không ít cho người thân của các cụ. Nhưng xét trên bình diện tổng thể, hiện tượng dân số già đi tại Pháp đã đặt ra nhiều vấn đề cho xã hội.

Hiệp hội Các giám đốc các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Pháp (AD-PA) cho biết một cuộc điều tra từ các hiệp hội đại diện các gia đình có người thân đang sống trong các nhà dưỡng lão đã cho những kết quả đáng báo động. Theo AD-PA, số các ca được gọi là “bạc đãi do nguyên nhân từ cơ chế tổ chức”, tức việc chăm sóc người cao tuổi không kỹ lưỡng do thiếu nhân sự, đang ngày càng tăng. 

Ba người phải lo cho 27 cụ

Về phần mình, giám đốc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cũng đã dóng lên hồi chuông báo động hồi đầu tháng 11 này với hai nguyên nhân chính: thiếu nhân sự và thiếu hỗ trợ từ nhà nước. Họ quy trách nhiệm cho các cấp chính quyền đã tạo ra một tình trạng mà họ gọi là “bạc đãi về mặt xã hội”.

Cô Émilie kể lại trường hợp của mẹ mình: “Thường thì khi đến bữa cũng không có ai đến để đưa bà đi ăn. Bà phải nằm ngủ trên ghế bành suốt đêm và khi tôi đến đó lúc 13 giờ, mẹ tôi vẫn chưa được tắm rửa gì cả”. Cô Rachel thì lên danh sách hàng loạt chi tiết làm cô bị sốc: “Tập trung một nhóm lớn các cụ bị bệnh Alzheimer ra ngoài hành lang để cho họ ăn nhằm tránh việc họ làm phiền những người khác; người bị chấn thương đốt sống vẫn bị buộc phải đi lại như người bình thường…”. Nhiều người nhà còn kể ra nhiều ví dụ về hành động chăm sóc người già một cách “quá chểnh mảng” và “thô bạo” chỉ vì thiếu hộ lý. Như anh Franck có vợ làm hộ lý trong một nhà dưỡng lão đã tiết lộ rằng vợ anh và đồng nghiệp “chỉ có ba người mà phải lo cho 27 cụ trong một ngày”, song nhiều hộ lý than phiền rằng không phải vì thế mà đội ngũ nhân viên lơ là hay bỏ rơi người già, chỉ có điều là khối lượng công việc quá sức của họ.

Giám đốc các nhà dưỡng lão đang đề nghị nhà nước nhanh chóng tuyển thêm 100.000 việc làm, cùng với gói hỗ trợ tài chính khẩn 3,5 tỉ euro.

“Tôn trọng các cụ thì đừng đưa các cụ vào đó”?

Đó chính là lời nhắn gửi của anh Lucien, trong khi anh Christophe thì khẳng định: “Giải pháp tốt nhất là để các cụ ở nhà sống chung với con cháu, mỗi người ráng một chút để chia sẻ với các cụ”. Anh Annick thì so sánh với tình hình “tại châu Phi, nơi mà người già, dù còn sức làm việc hay không, đều được cả dân làng tôn kính, thay phiên nhau chăm nom, lo lắng từng bữa ăn”.

Cuối cùng thì nhiều người thân trong gia đình nêu lên một thực tế mà họ không thể tránh được khi có cha mẹ già, như cô Marie nói: “Đôi khi ông bà cụ bị bệnh, phải được điều trị nên không thể để họ ở nhà được vì người nhà không thể chăm sóc đúng cách”. Cô Isabelle thì: “Sẽ phải gửi các cụ vào nhà dưỡng lão nhưng phải chọn lựa kỹ càng nơi nào có điều kiện chăm sóc tốt nhất”. Còn cô Stéphanie thì cụ thể hơn: “Nói thì dễ lắm. Bạn nói: Tôi sẽ không bao giờ làm thế với cha mẹ mình đâu! Nhưng bạn suy nghĩ đi, bạn sẽ phải làm gì nếu bạn bận đi làm suốt ngày mà ở nhà ông bà cụ khi thì quên tắt bếp ga, khi thì quên khóa vòi nước?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm