Phát hiện loài vật tuyệt chủng 137 năm ở Ấn Độ

Loài ếch này được tìm thấy trong rừng rậm đông bắc Ấn Độ bởi nhà sinh vật học nổi tiếng người Ấn Sathyabhama Das Biju và một nhóm các nhà khoa học.

Loài ếch lạ có kích thước cỡ một quả bóng golf, sống trong các hốc cây cao hơn mặt đất khoảng 6 m, giúp chúng khó bị phát hiện. Biju kể lại: “Chúng tôi nghe được cả một bản hòa nhạc vang xuống từ ngọn cây cao. Thật kỳ diệu!”

Ếch Frankixalus jerdonii chủ yếu ăn thực vật, không ăn côn trùng hay ấu trùng. (Ảnh: AP) 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng lý do đến nay mới tìm thấy loài ếch đơn giản là vì rất ít nhà khoa học hoạt động trong khu vực hẻo lánh này.

Một điểm đặc biệt khác ở loài ếch này là ếch cái đẻ trứng đã thụ tinh vào các hốc cây chứa đầy nước, sau đó trở lại khi chúng đã nở thành nòng nọc, cho chúng ăn trứng chưa được thụ tinh. Khác với các loài ếch khác, khi trưởng thành, loài ếch này chỉ ăn thực vật, không ăn côn trùng hay ấu trùng.

 Miệng nòng nọc Frankixalus không có răng để dễ hút trứng. (Ảnh: AP)

Với phát hiện này, người ta hy vọng có thể tìm thấy loài ếch này ở nhiều nơi khác, trong khu vực rộng lớn từ Trung Quốc đến Thái Lan.

Sau khi phân tích ADN, các nhà khoa học đã phân loại lại, xếp loài ếch này vào một chi động vật hoàn toàn mới, đặt tên mới. Tên gọi cũ của chúng là Polypedates jerdonii, theo tên của nhà động vật học người Anh Thomas Jerdon đã khám phá ra mẫu vật đầu tiên vào năm 1870. Giờ đây, chúng đã được đổi tên thành Frankixalus jerdonii, theo tên Franky Bossuyt, cố vấn của Biju.

Mắt nòng nọc Frankixalus ở gần đỉnh đầu hơn so với loài khác, để thấy được trứng thả vào hốc cây. (Ảnh: AP) 

Nhà sinh vật học Biju nổi tiếng là người ếch ở Ấn Độ vì đã phát hiện 89 trong 350 loài ếch trên cả nước.
Mặc dù từ đó đến nay người ta đã tìm thấy một số lượng đáng kể loài ếch cây này nhưng Biju cảnh báo điều đó không có nghĩa là chúng được an toàn, vì rừng nhiệt đới đang bị phá hủy ở mức độ đáng báo động, lấy đất để con người trồng trọt và sinh sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm