“Thảm họa nhân tai” của Manila

“Thảm họa nhân tai” của Manila ảnh 1

Một con đường ngập trắng ở Manila - Ảnh: Reuters

Báo Daily Inquirer cho biết hiện 80% diện tích Manila vẫn đang ngập trong nước lũ, có nơi ngập sâu tới gần 2m. Chính quyền cho biết tình trạng lũ lụt sẽ còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa, đặc biệt nếu mưa tiếp tục đổ xuống. “Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề lũ lụt vào tuần tới” - Tổng thống Philippines Benigno Aquino thừa nhận.

Tình trạng lũ lụt hiện nay khiến người dân Manila nhớ lại thảm họa năm 2009 làm cả một khu vực rộng lớn của Manila chìm trong lũ với 464 người thiệt mạng. Khi đó, các quan chức chính phủ đồng loạt cam kết sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp chống lũ ở thủ đô Manila. Nhưng sau ba năm tình hình vẫn không có gì thay đổi. “Đây là một thảm họa thiên nhiên, nhưng cũng là thảm họa do con người tạo ra” - chuyên gia quy hoạch đô thị Nathaniel Einseidel nhấn mạnh.

Quy hoạch kém, thiếu đồng bộ

"Manila không biết đến cái gì gọi là kế hoạch dài hạn. Đó là cái vòng luẩn quẩn của việc quy hoạch, chính sách và thực hiện không đồng bộ"

Chuyên gia quy hoạch đô thị Nathaniel Einseidel

Theo ông, các đường nước bị hủy hoại, những khu ổ chuột mọc lên như nấm ở bờ sông, gần khu cống thoát nước, kênh rạch... chính là nguyên nhân khiến thành phố 15 triệu dân này dễ bị tổn thương khi lũ lụt xảy ra.

Năm 2009, báo cáo của chính phủ khẳng định cần phải di dời 2,7 triệu người sống trong các khu ổ chuột ra khỏi “vùng nguy hiểm” dọc các con sông, hồ, hệ thống cống thoát nước. Họ là những người đã rời bỏ nông thôn kéo đến Manila tìm cơ hội đổi đời. “Số lượng người sống trong vùng nguy hiểm gia tăng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người bị đe dọa tính mạng khi lũ lụt xảy ra - chuyên gia Einseidel đánh giá - Nhà chức trách đã thuyết phục họ rời đi nhưng họ vẫn trở lại”.

Chính quyền ước tính chi phí cần cho kế hoạch di dời vào khoảng 130 tỉ peso (2,77 tỉ USD), ảnh hưởng đến 20% cư dân Manila và sẽ kéo dài trong 10 năm. Kế hoạch này mãi vẫn còn nằm trên giấy, một mặt là do chính quyền Manila thiếu quyết tâm thực hiện, mặt khác các chính trị gia địa phương muốn giữ lại người dân khu ổ chuột trong khu vực của họ để kiếm phiếu. Đã có các quy định cấm xây dựng dọc kênh rạch và kênh tháo lũ, nhưng chính quyền lại không có biện pháp nghiêm ngặt.

Đó là chưa kể, như kiến trúc sư và cũng là một chuyên gia về quy hoạch đô thị Paulo Alcazaren cho biết, chính phủ đầu tư quá ít ỏi vào hệ thống thoát nước. Ngoài ra, các cánh rừng ở ngoại ô Manila trong những năm qua đã bị giới đầu tư tàn phá để xây dựng các khu dân cư sang trọng. Khi các con đê tự nhiên chắn lũ bị san bằng thì nước lũ sẽ tràn về thủ đô.

Thiếu ý chí chính trị

Chuyên gia Alcazaren cũng cho biết cơ cấu chính trị của Manila khiến việc cải tổ hạ tầng càng thêm khó khăn. Thủ đô Manila thực tế là sự kết hợp của 16 thành phố và thị trấn nhỏ, mỗi nơi có một chính quyền riêng. Các chính quyền địa phương thường thực hiện các dự án thoát nước một cách riêng lẻ, thiếu sự phối hợp do lối tư duy địa phương, vì lợi ích cục bộ.

“Manila không biết đến cái gì gọi là kế hoạch dài hạn. Đó là cái vòng luẩn quẩn của việc quy hoạch, chính sách và thực hiện không đồng bộ” - chuyên gia Einseidel đánh giá.

Báo Daily Inquirer, trong xã luận ngày 8-8, cho biết từ tháng 5 chính quyền các thành phố ở Manila đã đưa ra kế hoạch chuẩn bị chống lũ nhưng không có sự phối hợp chung.

Theo các chuyên gia, để trị lũ, Manila cần trồng lại hệ thống rừng phòng hộ, xây dựng các khu nhà giá rẻ cho người dân khu ổ chuột, dọn dẹp lại hệ thống thoát nước... “Tất nhiên các biện pháp này sẽ tiêu tốn hàng tỉ peso, nhưng đằng nào thì chúng ta cũng mất hàng tỉ peso mỗi khi lũ lụt xảy ra” - kiến trúc sư Alcazaren khẳng định. Chuyên gia Einseidel cho rằng Chính phủ Philippines có đủ kinh nghiệm và có thể khơi thông nguồn vốn để giải quyết vấn đề. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý chí chính trị.

2 triệu người cần cứu trợ

Theo AFP, chính quyền Philippines đang kêu gọi người dân đóng góp để đưa hàng cứu trợ đến 2 triệu nạn nhân lũ lụt ở trong và ngoài thủ đô Manila. “Chúng tôi đang đóng gói hàng cứu trợ và cần thêm sự giúp đỡ cũng như người tình nguyện” - Bộ trưởng an sinh xã hội Corazon Soliman kêu gọi. Ông cho biết các trung tâm di tản đang trở nên quá tải và người dân thủ đô cần thêm thuốc men, chăn gối, quần áo sạch...

Báo Philippines Star cho biết số người đang trú tạm trong các trường học, nhà thi đấu thể thao, tòa nhà chính phủ... đã lên đến gần 300.000. Nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người khác đang tự xoay xở, đến ở nhờ nhà người thân, bạn bè hoặc cầm cự trong các ngôi nhà bị ngập một phần.

Theo Sơn Hà (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm