TIME vinh danh những ‘chiến binh’ chống Ebola

Hôm 10-12, tạp chí TIME danh giá của Mỹ đã công bố danh hiệu Nhân vật của năm 2014. Giải thưởng lần này của tạp chí TIME là để ngợi ca những người chống lại đại dịch Ebola vì “sự liều lĩnh, kiên trì, sự hy sinh và tất cả sinh mạng mà họ đã cứu sống”.

Sự lựa chọn bất ngờ của TIME

Cứ gần cuối mỗi năm, các biên tập viên của tạp chí TIME lại bắt đầu công cuộc tìm kiếm và chọn ra những cá nhân có ảnh hưởng và ý nghĩa nhất đối với thế giới trong năm. Tuy nhiên, tạp chí TIME lần này đã bỏ qua tất cả thay đổi địa chiến lược to lớn, lướt qua những nhân vật chính trị cộm cán của các quốc gia và đem vinh dự năm nay trao cho tất cả những người chiến đấu chống lại đại dịch Ebola trên toàn thế giới.

Giải thích về lý do lựa chọn của mình, Tổng biên tập tờ TIME Nancy Gibbs cho rằng tất cả “chiến binh” chống lại đại dịch Ebola mới là người xứng vì họ đã chiến đấu với tất cả “sự dũng cảm và lòng vị tha” của mình để cho nhân loại có thêm thời gian tìm ra cách chống lại cơn đại dịch chết người. Giải thưởng lần này của TIME là để ngợi ca những người chống lại đại dịch Ebola vì “sự liều lĩnh, kiên trì, sự hy sinh và tất cả sinh mạng mà họ đã cứu sống”.

Trên trang chủ của mình, tờ tạp chí danh tiếng cũng đã nêu lên những cái tên tiêu biểu như Kent Brantly, BS Jerry Brown, y tá kiêm trợ lý chiến dịch Salome Karwah hay tình nguyện viên tổ chức Bác sĩ không biên giới Ella Watson Stryker,... Họ là đại diện cho vô số những người đã chiến đấu không mệt mỏi để kìm hãm đà lan rộng của cơn đại dịch, những tình nguyện viên đã chết vì nhiễm Ebola trong quá trình công tác hay những người may mắn sống sót sau khi nhiễm nhưng vẫn ngay lập tức quay trở ra “chiến trường” Tây Phi.

Như tờ tạp chí kết luận, hệ thống y tế toàn cầu đã không đủ mạnh để bảo vệ thế giới khỏi những dịch bệnh truyền nhiễm chết chóc như Ebola. Và sở dĩ phần còn lại của thế giới có thể sống bình yên mỗi ngày là nhờ sự hy sinh không biết mệt mỏi của những con người đang ngày đêm chống lại dịch bệnh những nơi xa xôi. Họ mới thực sự là những “chiến binh” và hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhân vật của năm.

Tạp chí TIME: Họ là những người đã đáp lời kêu gọi khi các quốc gia khác gặp khó khăn và đây thực sự là những hành động mang nghĩa cử cao đẹp.

Đối đầu với những cái chết báo trước

Tạp chí TIME cũng đánh giá cuộc chiến chống lại Ebola trong năm nay còn là một sự cảnh báo cấp thiết về hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng còn yếu kém của quốc gia châu Phi nói riêng và thế giới nói chung. Trong nhiều thập niên qua, nhiều ngôi làng ở châu Phi luôn bị bao trùm bởi thần chết mang tên Ebola. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, căn bệnh này đã bùng phát thành một đại dịch và lấy đi hàng ngàn sinh mạng, không thua kém gì những cơn đại dịch đã đi vào lịch sử. Đến khi đó người ta mới nhận ra sự chết chóc kinh hoàng mà Ebola mang lại.

Một trong những yếu tố quan trọng biến Ebola từ một căn bệnh thành một đại dịch toàn cầu là khả năng lây nhiễm cực kỳ dễ dàng của nó. Bệnh sẽ lây lan từ người qua người khi chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể người nhiễm bệnh hay thậm chí chỉ cần tiếp xúc với những gì mà người bệnh đã chạm vào. Ngay cả đám tang của nạn nhân Ebola cũng có thể là một nguy cơ nếu người đưa tang có tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người quá cố.

GS Peter Piot, một trong những người đầu tiên phát hiện ra virus Ebola ở Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo, trong năm 1976 đã cảnh báo sự bùng nổ hiện nay khó có thể được kiểm soát trong trường hợp không có một loại thuốc chủng ngừa. Thế nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có một loại vaccine nào được chế ra để bảo vệ con người khỏi virus Ebola. Theo giải thích của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, căn bệnh này trước nay chỉ “hoạt động” trong phạm vi các quốc gia nghèo ở châu Phi nên đã không được ngành nghiên cứu dược phẩm quan tâm.

TS Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đã chỉ trích các công ty thuốc vì cho rằng họ đã quay lưng lại với căn bệnh này vì nhận ra châu Phi không phải là thị trường có khả năng tiêu thụ hàng hóa…

“Một ngành công nghiệp dược vì lợi nhuận sẽ không đầu tư vào các sản phẩm mà thị trường không thể chi trả. Vì thế các nghiên cứu và phát triển loại vaccine này hầu như không tồn tại”. Đó là kết luận của người đứng đầu WHO sau khi đưa gần 5.000 người thiệt mạng do virus này ra khỏi khu vực dân cư ở Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Mặt khác, xét một cách khách quan, đại dịch lại bùng phát ngay tại các quốc gia châu Phi nghèo nàn cả về cơ sở vật chất lẫn ý thức xã hội cần thiết cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Vì thế khi đã bị nhiễm bệnh, người dân hầu như không đủ điều kiện bảo hộ và kỹ năng cơ bản để bảo vệ sức khỏe và tiếp nhận điều trị.

TS Chan nhấn mạnh: “Nhu cầu cấp thiết hiện nay là tăng cường hệ thống y tế vốn bị quên lãng từ lâu ở châu Phi”. Nếu không có các cơ sở y tế nền tảng, các quốc gia này sẽ tiếp tục gặp nguy khốn trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Đến nay toàn thế giới có tới hơn 18.000 ca nhiễm Ebola và làm chết hơn 6.598 người.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, dù biết rõ sự nguy hiểm của Ebola nhưng nhiều bác sĩ và y tá vẫn xung phong lên “tuyến đầu” của cuộc chiến đầy cam go này.

. BS Craig Spencer, 33 tuổi, vừa trở về từ Tây Phi đã bộc phát những triệu chứng nhiễm Ebola như sốt cao, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi. Bác sĩ này sau đó đã được chuyển đến khu cách ly tại BV Belleveu, New York.

. Y tá người Mỹ gốc Việt Nina Phạm đã nhiễm bệnh sau khi chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người đầu tiên ở Mỹ chết vì Ebola.

. BS Martin Salia sống ở Mỹ và chuyên phẫu thuật làm việc ở BV Kissy United Methodist ở Sierra Leone cũng đã tử vong. Theo ABC News, BS Salia là bệnh nhân nhiễm virus Ebola thứ 3 được điều trị tại Nebraska và là bệnh nhân thứ 10 được điều trị tại Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm