Mỹ: Bắn nhà báo vì bị xúc phạm?

Sau thảm kịch hai nhà báo bị bắn chết trong khi tác nghiệp ở bang Virginia, một lần nữa Nhà Trắng đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội ban hành luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh Quốc hội cần phải có biện pháp tốt hơn để hạn chế các vụ nổ súng bi thảm ở Mỹ.

Trước đó, nước Mỹ đã lên cơn sốc trước vụ nổ súng kinh hoàng mà các khán giả truyền hình đều chứng kiến.

Lúc 6 giờ 45 sáng 26-8 (giờ địa phương) tại thị trấn Moneta thuộc quận Bedford (bang Virginia), nữ biên tập viên Alison Parker (24 tuổi) đang phỏng vấn bà Vicky Gardner phụ trách Phòng Thương mại địa phương.

Cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình địa phương WDBJ7 truyền hình trực tiếp. Đột nhiên hung thủ Vester Lee Flanagan (41 tuổi) xuất hiện bắn chết biên tập viên Alison Parker và người quay phim Adam Ward (27 tuổi). Bà Vicky Gardner trúng đạn bị thương.

Sau khi gây án, Vester Flanagan lái xe ô tô tẩu thoát. Cảnh sát truy đuổi. Hắn không dừng xe mà vẫn tăng tốc. Vài phút sau, xe rời khỏi đường lật nhào. Cảnh sát đến gần thì thấy hắn bị thương do đạn, có thể do muốn tự sát. Vester Flanagan đã chết trong bệnh viện.

 
Biên tập viên Alison Parker đang phỏng vấn bà Vicky Gardner (ảnh trái) và Vester Flanagan móc súng bắn. Ảnh: TWITTER

Kết quả điều tra ban đầu cung cấp một số tình tiết như sau:

- Vester Flanagan làm hướng dẫn chương trình cho kênh WDBJ năm 2012. Năm sau hắn bị sa thải. Tổng giám đốc kênh truyền hình Jeff Marks cho biết Vester Flanagan không kiềm chế được giận dữ.

- Năm 2012, Vester Flanagan gửi đơn cho Ủy ban Về bình đẳng cơ hội trong lao động cho biết nhân viên đài hay xúc phạm hắn theo kiểu phân biệt chủng tộc. Đơn bị bác. Tháng 5-2014, hắn gửi đơn kiện kênh WDBJ để đòi tiền công. Đơn cũng bị bác.

- Sau khi nổ súng bắn chết người, Vester Flanagan đưa lên Twitter và Facebook hai băng ghi hình lúc nổ súng. Trước khi chết, lúc 11 giờ ngày 26-8, hắn cũng đã kịp giải thích trên Twitter rằng nữ biên tập viên Alison Parker thường nói nhiều câu phân biệt chủng tộc xúc phạm hắn.

Hai tiếng sau vụ nổ súng, kênh truyền hình ABC (Mỹ) đã nhận được một bản fax dài 23 trang của Vester Flanagan.

Bản fax giải thích hắn ra tay hành động để phối hợp với vụ xả súng ở nhà thờ Hội thánh Tin lành giám lý châu Phi Emanuel tại Charleston tối 17-6 (hung thủ da trắng Dylann Roof, 21 tuổi bắn chết chín tín hữu da đen).

Bản fax bày tỏ thái độ ngưỡng mộ đối với vụ xả súng ở Đại học Kỹ thuật Virginia hồi tháng 4-2007 (33 người chết) và vụ xả súng ở trường trung học Columbine hồi tháng 4-1999 (12 người chết).

Trong bản fax, Vester Flanagan khẳng định đã phải đối phó với nhiều hành vi phân biệt chủng tộc, quấy rối tình dục, ma cũ bắt nạt ma mới tại tòa soạn báo, rồi bị đàn ông da đen và phụ nữ da trắng tấn công vì cho hắn là người da đen và đồng tính.

Điều luật sửa đổi thứ hai của hiến pháp Mỹ bảo đảm quyền mang vũ khí của người dân. Đây là lập luận để các nhóm vận động hành lang như Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ phản đối kiểm soát súng. Nhiều TP đã ban hành cơ chế riêng để quản lý súng đều bị Hiệp hội Súng quốc gia cản trở.

Ngày 10-8, Hội đồng thị chính TP Seattle nhất trí từ tháng 1 sẽ thu “phí về bạo lực do súng”. Người mua súng phải nộp thêm 25 USD cho mỗi khẩu súng và 5 xu cho mỗi viên đạn. Dự kiến khoản thu 400.000 USD/năm sẽ được dùng để phòng chống bạo lực do súng.

Hiệp hội Súng quốc gia đã phản đối với lý do luật của bang Washington cấm các địa phương ban hành quy định riêng về súng. Los Angeles đang chuẩn bị thông qua quy định bắt buộc để súng vào hộp có khóa hoặc làm khóa ở cò súng. Chắc chắn Hiệp hội Súng quốc gia sẽ lại cản trở.

Tôi đang xem trực tiếp kênh truyền hình địa phương phát trong mục tin nóng. Không ai biết chúng tôi đang chứng kiến một vụ giết người.

Một nữ khán giả truyền hình người Mỹ thuật lại trên Facebook

 ____________________________________

Số người chết do súng còn nhiều hơn cả các nạn nhân khủng bố.

Tổng thống OBAMA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm