Mỹ bị Canada cảnh cáo về vụ bà Mạnh

Trước đó, ngày 11-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có thể can thiệp chuyện bà Mạnh nếu có lợi cho an ninh quốc gia và giúp đạt thỏa thuận thương mại với TQ.

Ngày 12-12, trong nỗ lực giảm thiểu bàn tán quanh chuyện này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lên tiếng rằng ông Trump vẫn chưa quyết định. Tuy thế, theo Insider, từ phát ngôn “có thể can thiệp” của ông Trump có thể nhìn ra được sự thiếu tương thích giữa ông Trump và cấp dưới. Ông Trump nói có thể dùng chuyện bà Mạnh tạo lợi thế khi thương lượng với TQ, trong khi các quan chức thương mại Mỹ cố gắng lái vụ bà Mạnh bị bắt ra càng xa chuyện đàm phán thương mại càng tốt.

Phát ngôn của ông Trump đi ngược lời của đại diện thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng kinh tế Quốc gia Larry Kudlow - những người dẫn đầu cuộc đàm phán với TQ. Nói với CBS News cuối tuần rồi, ông Lighthizer cho rằng “đây là chuyện vi phạm tư pháp, hoàn toàn tách biệt với những gì tôi làm hay với chính sách thương mại, nó không liên quan”.

Bộ Thương mại TQ tuần trước cũng nói hai chuyện này hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, sau phát ngôn “có thể can thiệp” của ông Trump thì Bộ Ngoại giao TQ ngày 12-12 chớp cơ hội lên tiếng hoan nghênh mọi nỗ lực “sửa sai” chuyện bắt giữ bà Mạnh.

Bà Mạnh bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ vì hai nước có hiệp ước dẫn độ. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đồng minh này đang gặp khó khi Canada có phản ứng với phát ngôn của ông Trump.

Ngày 12-12, khi được báo chí hỏi về phát ngôn của ông Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rõ “không cần biết điều gì diễn ra ở các nước khác, Canada luôn là đất nước của luật pháp”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cảnh cáo Mỹ không nên chính trị hóa các vụ việc dẫn độ, khẳng định tiến trình tư pháp không thể bị điều khiển vì các mục đích chính trị. Theo bà Freeland, “không nên chính trị hóa tiến trình dẫn độ hoặc lợi dụng nó thay vì theo đuổi công lý và tuân thủ luật pháp”. Bà Freeland lo ngại các luật sư của bà Mạnh có thể sẽ viện tới phát ngôn của ông Trump khi chiến đấu để bà Mạnh không bị dẫn độ sang Mỹ.

Bà Freeland cũng xác nhận hai công dân Canada đang gặp rắc rối ở TQ. Doanh nhân Michael Spavor liên lạc với nhà chức trách Canada cho biết mình đang bị các quan chức TQ thẩm vấn. Trước đó, cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig bị bắt tại Bắc Kinh tối 10-12. Theo truyền thông nhà nước TQ, ông Spavor và ông Kovrig bị điều tra nghi ngờ làm hại an ninh quốc gia TQ. Bà Freeland cho biết đã nêu lo ngại về chuyện công dân Canada bị bắt với phía TQ. Canada hiện vẫn không khẳng định chuyện công dân mình bị bắt có liên quan đến vụ bà Mạnh bị bắt, dù theo nhiều chuyên gia ngoại giao Canada đây là đòn trả đũa của TQ.

Bà Mạnh bị bắt ngày 1-12 và được Canada cho tại ngoại ngày 11-12 chờ xem xét chuyện dẫn độ sang Mỹ. Mỹ có 60 ngày kể từ thời điểm bà Mạnh bị bắt để gửi đề nghị dẫn độ chính thức sang Canada - hiện Mỹ chưa làm điều này, theo tin từ Reuters. Sau đó Canada có một tháng để quyết định. Theo lịch thì bà Mạnh sẽ ra tòa tiếp ngày 6-2-2019 và theo một số quan chức Canada, tiến trình xem xét dẫn độ bà Mạnh sẽ không chỉ hàng tháng mà có thể sẽ kéo dài hàng năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm