Mỹ cảnh báo hậu quả nếu Ấn Độ mua S-400 của Nga

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Mac Thornberry, ngày 30-5 nói với nhật báo Economic Times của Ấn Độ rằng Washington quan ngại sâu sắc về kế hoạch Ấn Độ đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga và hành động này có thể phương hại lớn tới các chương trình hợp tác kỹ thuật-quân sự Mỹ-Ấn.

Tổ hợp tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: AFP

Quan ngại về khả năng Ấn Độ mua tên lửa S-400 của Nga đã “làm rúng động” đến giới chức cấp cao của Mỹ và rằng thương vụ tiềm năng này sẽ khiến cho Mỹ khó lòng chia sẻ các công nghệ quân sự nhạy cảm cho Ấn Độ trong tương lai.

Ông Thornberry nói: "Tôi e ngại rằng việc mua công nghệ đó (S-400 của Nga) sẽ làm hạn chế mức độ mà Mỹ cảm thấy thoải mái để cung cấp thêm công nghệ cho bất kỳ nước nào mà chúng tôi đang nói đến”, ám chỉ những nước đang mua S-400 của Nga.

“Chính giới Mỹ, từ quốc hội cho tới chính phủ đều tỏ ra đặc biệt lo lắng về các thương vụ tổ hợp tên lửa S-400, không chỉ của Ấn Độ mà còn của nhiều quốc gia khác” - ông nói thêm.

Điều lo lắng lớn nhất là bất cứ quốc gia nào đặt hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 của Nga đều sẽ rất khó khăn và rắc rối trong việc tích hợp với vũ khí Mỹ (và hợp đồng tác chiến với các lực lượng của Mỹ), ông Thornberry tuyên bố với India Times.

Vì thế, ông Thornberry hy vọng New Delhi không nên vội vàng và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc đặt mua tên lửa S-400 từ Nga.

Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để mua S-400 của Nga với tổng giá trị có thể lên tới 2,5 tỉ USD, hợp đồng có thể sẽ được ký vào tháng 10 năm nay.

Quyết định này có thể ảnh hưởng tới doanh số bán máy bay không người lái Predator do Mỹ sản xuất mặc dù chính quyền Tổng thống Trump gần đây thông báo dự định hạn chế bán vũ khí cho các quốc gia nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Thay đổi này cho phép các nhà cung cấp vũ khí của Mỹ bán vũ khí cho các đồng minh một cách trực tiếp, “qua mặt” được Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Quốc hội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: India

Những hy vọng của Ấn Độ trong việc sản xuất tiêm kích F-16 nội địa cũng có thể trở thành tàn tro, một phần do Đạo luật Ứng phó với kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), trong đó yêu cầu chính phủ Trump trừng phạt các thực thể tiến hành giao dịch với các ngành quốc phòng của Nga.

Ông Thornberry nói thêm rằng, mặc dù Mỹ thất vọng với việc Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa tối tân S-400 từ Nga nhưng Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với New Delhi trong giai đoạn này, theo NDTV.

“Ấn Độ muốn được chia sẻ nhiều hơn về công nghệ và sản xuất máy bay chiến đấu như F-16. Vấn đề ở chỗ là khi các bạn nói muốn có công nghệ Mỹ nhưng sau đó vẫn lại có sự xuất hiện S-400... Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc tới các cấp lãnh đạo của chính phủ Ấn Độ” - Nghị sĩ Henry Cuellar của bang Texas nói với Economic Times.

Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất đang bị Mỹ gây sức ép khi mua S-400 của Nga. Các nghị sĩ Mỹ cũng đang dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tìm cách cấm chuyển F-35 cho nước này nếu Ankara xúc tiến thỏa thuận mua S-400 của Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm