Mỹ kêu gọi ASEAN kiềm chế Triều Tiên

Cuộc gặp diễn ra ngày 4-5 (giờ địa phương) tại Washington, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ Mỹ - ASEAN. Hai bên đã trao đổi về định hướng quan hệ ASEAN - Mỹ trong thời gian tới, chính sách của Mỹ đối với khu vực, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp còn để chuẩn bị cho các cuộc họp Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Manila (Philippines) vào tháng 8.

Bài toán Triều Tiên

Sự ủng hộ của ASEAN đối với việc thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên là một trong những nội dung được chú trọng trong chương trình nghị sự giữa các quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc gặp này đã kêu gọi ASEAN phải tăng cường thực thi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hỗ trợ cắt nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tăng sức ép ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Mỹ mong muốn “tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên, tạm ngưng hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và thực hiện các biện pháp để cô lập Triều Tiên về kinh tế” - ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nói với Straits Times về nội dung cuộc họp tại Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) cùng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Mỹ ngày 4-5. Ảnh: REUTERS

Trước đó, lời kêu gọi này cũng được ông Tillerson đưa ra tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ hồi tuần trước. Ông Tillerson còn cảnh báo nếu các nước không thực hiện đúng như vậy, Washington sẽ trừng phạt các công ty ở nước ngoài và những cá nhân tiến hành giao dịch với Triều Tiên.

Lời đề nghị của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên ngày 23-4 gửi thư tới tổng thư ký ASEAN, kêu gọi sự ủng hộ của khối dành cho Bình Nhưỡng và cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện “bên bờ vực chiến tranh” vì các động thái của Washington.

Trong thông cáo phát đi ngày 28-4, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố “bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm hai vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi năm 2016 và những lần phóng tên lửa sau đó của nước này”. Trả lời phỏng vấn Channel News Asia, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng cho biết lập trường của khối về tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là “rất rõ ràng và nhất quán”, bao gồm kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng, phi hạt nhân hóa và nối lại đàm phán sáu bên.

Cần chấm dứt quân sự hóa biển Đông

Trao đổi trong cuộc gặp, đại diện các bên cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa trong vấn đề biển Đông. Theo đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, nhấn mạnh thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Bên cạnh đó, ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi chấm dứt các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa trên biển Đông.

ASEAN gần đây áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong vấn đề biển Đông, điển hình là hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua tránh đề cập hoạt động bồi lấp trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo, theo Reuters. Lập trường này được nhận định là nhằm tạo môi trường để thúc đẩy đàm phán một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Theo phó trợ lý ngoại trưởng Murphy, ông Tillerson đã nhấn mạnh rằng tiến trình này cần “không gian và thời gian” nhưng phải tránh đơn phương củng cố các tuyên bố chủ quyền hiện có.

Một ngày sau cuộc gặp với ông Tillerson, các quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN sẽ gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster.

 

Trả lời báo chí bên lề một sự kiện của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết các quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN vẫn chưa thảo luận về việc giảm quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Manalo cũng cho biết chủ đề này có thể sẽ được cân nhắc thảo luận. “Mối quan tâm trước mắt của khối là cần đảm bảo căng thẳng bán đảo Triều Tiên không gia tăng. Tình hình càng căng thẳng thì nguy cơ các tính toán sai lầm càng cao. Con đường tốt nhất là qua đối thoại” - ông Manalo trả lời tờ Straits Times.

Nhận định về cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao ASEAN và ngoại trưởng Mỹ, ông Danny Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng chính phủ Trump đã nhìn nhận ASEAN là một đối tác quan trọng. Trả lời tờ Straits Times, ông đánh giá cao việc chính phủ Trump ngay từ giai đoạn đầu đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp quan trọng giữa Ngoại trưởng Tillerson và các quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN.

Sáng 5-5, trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các PV Đông Nam Á, ông Patrick Murphy cũng nhấn mạnh phía Mỹ rất “trông đợi chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Washington” để tiếp tục thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quan hệ hai nước.

____________________________

“Các quốc gia ASEAN càng thống nhất áp dụng các biện pháp trừng phạt, Mỹ càng có vị thế tốt hơn khi đàm phán với Triều Tiên” - GS Lee Sung Yoon, khoa Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts, Boston, Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm