Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump:

Mỹ kịch liệt lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông

Tối 18-12 (giờ Mỹ, tức rạng sáng 19-12 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức cho công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) năm 2017. Văn bản quan trọng này đề cập đến hàng loạt vấn đề an ninh của Mỹ, chia làm bốn trụ cột chính: Bảo vệ người Mỹ, nội địa và cách sống Mỹ; thúc đẩy thịnh vượng Mỹ; gìn giữ hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ.

Bên cạnh việc nhấn mạnh lập trường “Nước Mỹ trước tiên”, câu chuyện công bằng thương mại cùng vấn đề Triều Tiên, NSS 2017 đã một lần nữa trực tiếp đề cập đến vấn đề biển Đông. Thậm chí các ngôn từ còn mạnh mẽ hơn chiến lược được công bố năm 2015 của cựu Tổng thống Barack Obama.

Chỉ trích quân sự hóa biển Đông

NSS 2017 công khai nhận định rằng “Trung Quốc (TQ) đang sử dụng các biện pháp khuyến dụ và trừng phạt kinh tế, hoạt động tạo sức ảnh hưởng và hàm ý đe dọa quân sự để thuyết phục các nước khác thuận theo chiến lược chính trị và an ninh của nước này”. Văn bản chiến lược của Tổng thống Trump còn mạnh mẽ chỉ trích việc TQ “xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn” trên biển Đông đang đe dọa “dòng chảy thương mại tự do, chủ quyền của các nước khác và làm suy yếu sự ổn định của khu vực”.

“TQ đã tiến hành một chiến dịch quân sự hóa nhanh chóng với mục đích hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ đến khu vực và giúp TQ thêm rảnh tay tại đây” - Nhà Trắng nhận định trong NSS 2017, đồng thời chỉ trích “sự lấn át” của TQ mở ra rủi ro làm “suy giảm chủ quyền của nhiều nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Không những vậy, tình hình khu vực còn được nhà lãnh đạo Mỹ nhìn nhận một cách bao trùm hơn dưới góc nhìn “sự cạnh tranh giữa các nước lớn đã trở lại”. NSS 2017 khẳng định rằng TQ và Nga đã bắt đầu tái áp đặt sức ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu: “Các nước này đang xây dựng năng lực quân sự với mục đích ngăn chặn khả năng tiếp cận của Mỹ trong những giai đoạn khủng hoảng, đồng thời thách thức khả năng hoạt động tự do của Mỹ trong những khu vực thương mại tối quan trọng trong thời bình”.

Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc tiếp tục cải tạo và quân sự hóa các thực thể trên biển Đông. Ảnh: REUTERS

Văn bản chiến lược của Tổng thống Trump cũng đồng thời cho rằng các đối thủ của Mỹ đang “sử dụng những chiến dịch chính trị, kinh tế và quân sự gồm cả những hành động âm thầm”, cảnh báo các chiến thuật này hướng đến “đạt hiệu quả tối đa mà không khiêu khích đáp trả quân sự trực tiếp từ Mỹ” và chờ thời gian để tạo nên “hiện trạng mới”.

ASEAN là mảnh ghép trung tâm

Tổng thống Trump cũng đồng thời đề ra chiến lược cho toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Khái niệm này đã được chính quyền Mỹ đề cập nhiều lần trong năm nay và được nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11 vừa qua.

Ngoài những chiến lược về kinh tế và an ninh chung cho toàn khu vực, NSS 2017 đã đề cập cụ thể đến Đông Nam Á với Philippines và Thái Lan là hai đồng minh quan trọng. Mỹ cũng đồng thời xem Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore là những đối tác an ninh và kinh tế ngày càng lớn của nước này. Bên cạnh đó, Mỹ khẳng định sẽ củng cố quan hệ với các nước này trở thành các “đối tác hợp tác hàng hải”. NSS 2017 nhấn mạnh: “ASEAN và APEC tiếp tục là mảnh ghép trung tâm trong kiến trúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như là các diễn đàn để thúc đẩy một trật tự dựa trên sự tự do”.

Trước các nhận định cứng rắn được nêu trong NSS 2017, Đại sứ quán TQ tại Washington ngày 19-12 đã lên tiếng phản pháo Mỹ một mặt “muốn phát triển quan hệ đối tác với TQ nhưng mặt khác lại giữ lập trường đối lập”. Cơ quan đại diện ngoại giao của TQ tại Mỹ nhấn mạnh cách hành xử này sẽ không có lợi cho việc trao đổi và mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong dẫn lại tuyên bố.

Vấn đề biển Đông từng được đề cập

Công bố trong nửa sau nhiệm kỳ cuối cùng của ông Obama, NSS 2015 cũng đề cập đến vấn đề biển Đông. Cụ thể, văn bản này nhận định “những căng thẳng tại biển Hoa Đông và biển Đông là lời nhắc nhở về các rủi ro leo thang”. Văn bản này cũng tái khẳng định các cam kết an ninh với đồng minh và đối tác của Mỹ, “đầu tư cải thiện năng lực của các nước này để đối phó với những hành động cưỡng ép và sẽ buộc các nước nào đe dọa láng giềng hoặc vi phạm chuẩn mực quốc tế nền tảng phải cân nhắc những cái giá cần trả”.

NSS 2015 cũng ủng hộ TQ và ASEAN sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả trên biển Đông. Chiến lược của Tổng thống Obama khi đó cũng lên án “các hành động cưỡng ép và hung hăng đe dọa leo thang căng thẳng” trong tranh chấp lãnh thổ, kêu gọi các bên xây dựng những kênh đối thoại giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, khác với ông Trump, cựu Tổng thống Obama trước đây nhắc đến TQ bằng một tông giọng hữu nghị hơn là “đối tác chiến lược” mặc dù hai nước còn nhiều mâu thuẫn.

________________________

Trong toàn bộ 56 trang của NSS 2017, từ khóa “TQ” đã được đề cập tới 23 lần, nhiều gấp hai lần so với tài liệu cuối cùng về chiến lược an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm