Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng tiền lũng đoạn chính trị Úc

Trả lời phỏng vấn báo The Australian (Úc), Đại sứ Mỹ tại Úc John Berry bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc đến chính trị Úc, đề nghị Úc cải cách hệ thống chính trị để gỡ bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc. Bài phỏng vấn được The Australian công bố ngày 14-9. Đại sứ quán Mỹ xác nhận có cuộc phỏng vấn này.

Đại sứ John Berry cho biết Mỹ ngạc nhiên với lượng tiền của Trung Quốc đổ vào để gây ảnh hưởng lên chính trị Úc.

Mới đây Thượng nghị sĩ Sam Dastyari thuộc đảng đối lập Lao động bị khiển trách vì yêu cầu Công ty Trung Quốc Top Education Institute thanh toán một hóa đơn đi lại của mình trị giá 1.670 đô Úc (1.250 USD). Dù không phạm luật nhưng Thượng nghị sĩ Dastyari - còn bị gọi với cái tên Sam Thượng Hải cũng thừa nhận hành động này là sai trái.

Trong khi đó một bài báo Trung Quốc lại đưa lời nói của Thượng nghị sĩ Dastyari “biển Đông là chuyện riêng của Trung Quốc”.

Theo Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, câu nói này đi ngược lại chính sách của cả chính phủ Úc và phe đối lập Úc về Trung Quốc rằng Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Thủ tướng Turnbull cáo buộc Thượng nghị sĩ Dastyari đã nhận tiền của Trung Quốc để làm loa tuyên truyền cho Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Sam Dastyari bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc để làm loa tuyên truyền cho Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Sam Dastyari bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc để làm loa tuyên truyền cho Trung Quốc. Ảnh: AFP

Về phần mình, Thượng nghị sĩ Dastyari cho biết có thể ông đã nói thiếu chính xác trong cuộc phỏng vấn của báo Trung Quốc và ông vẫn ủng hộ chính sách về Trung Quốc của đảng Lao động.

Ngoài Thượng nghị sĩ Dastyari, Công ty Top Education Institute còn đóng góp hơn 230.000 đô Úc cho cả đảng Lao động và đảng cầm quyền Tự do.

Tháng trước, Tập đoàn truyền thông Australian Broadcasting Corp. (Úc) cho biết các hoạt động có liên quan đến Trung Quốc đã mang lại cho các đảng phái chính trị lớn của Úc hơn 5,5 triệu đô Úc trong thời gian 2013-2015, khiến hệ thống chính trị Úc trở thành một trong những hệ thống nhận nhiều đóng góp chính trị nhất thế giới.

Cả đại sứ quán Trung Quốc tại Úc và Công ty Top Education Institute chưa bình luận về vụ việc.

Đại sứ John Berry nói Mỹ muốn Úc giải quyết vấn đề đóng góp từ nước ngoài cho chính trị, hy vọng Úc sẽ bảo vệ “trách nhiệm chống lại ảnh hưởng quá mức từ các nước vốn không cùng chia sẻ các giá trị với Úc”. Ông lo ngại Trung Quốc sẽ dùng tiền chi phối cuộc bầu cử sắp đến ở Úc theo hướng có lợi cho quyền lợi Trung Quốc.

Không giống luật Mỹ cấm nhận đóng góp chính trị từ nước ngoài, luật Úc không tách bạch đóng góp chính trị từ trong hay ngoài nước.

Năm 2010, đảng Lao động khi đó là đảng cầm quyền Úc đã đề xuất Quốc hội một dự luật cấm nhận đóng góp chính trị từ nước ngoài nhưng không được thông qua. Mới đây đảng Xanh cũng từng đề xuất một dự luật tương tự, tuy nhiên cũng không thành công. Vụ việc của Thượng nghị sĩ Dastyari đã khiến đảng đối lập Lao động một lần nữa kêu gọi chính phủ cấm các đảng phái chính trị nhận đóng góp từ nước ngoài.

Úc đang cố gắng cân bằng quan hệ giữa mình với Mỹ - đối tác chiến lược quan trọng nhất và với Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm