Mỹ phòng thủ chống tin tặc Trung Quốc

Mối đe dọa từ tấn công mạng Trung Quốc nguy hiểm tương tự các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên và Iran. Phó Đô đốc James D. Syring, chỉ huy Cục Phòng thủ tên lửa (trực thuộc Lầu Năm Góc), đã báo cáo trước Hạ viện Mỹ tình hình như trên.

Báo Washington Free Beacon đưa tin tại cuộc điều trần trước Hạ viện hồi tuần trước, ông James D. Syring nhận xét hệ thống của ông thành công trong việc đối phó với tấn công mạng nhưng các nhà thầu tên lửa phòng thủ thì cần phải cải thiện vấn đề an ninh mạng.

Nghị sĩ Mike Rogers (đảng Cộng hòa), Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng chiến lược thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện, chất vấn vậy Cục Phòng thủ tên lửa đủ khả năng đối phó tấn công mạng từ tin tặc quân đội Trung Quốc phải không, ông James D. Syring khẳng định rằng có.

Ông cho biết sẽ cung cấp chi tiết về các mối đe dọa mạng trong một phiên họp kín sau này của Tiểu ban Các lực lượng chiến lược.

Tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter của Mỹ. Ảnh: DARPA

Ông nhận xét ngày nào tin tặc Trung Quốc cũng thử tấn công các hệ thống mạng chính phủ thuộc loại bảo mật cũng như không bảo mật.

Do đó, ông lưu ý: “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là bảo vệ các nhà thầu quốc phòng… Củng cố an ninh mạng của các nhà thầu là ưu tiên cao trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo”.

Ông khẳng định đang làm hết sức để bảo vệ hai loại mạng bảo mật và không bảo mật bằng cách giám sát 24/7 các đội và bảo trì tốt thiết bị, nâng cấp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, đào tạo nhân sự phụ trách phòng thủ tên lửa.

Tại buổi điều trần, ông Barry Pike phụ trách chương trình tên lửa và không gian của quân đội Mỹ nhận xét mối đe dọa quân sự nước ngoài đang ngày càng gia tăng với nguy cơ tấn công đồng bộ gồm tấn công trên không, tên lửa, mạng và chiến tranh điện tử.

Trong khi đó, nghị sĩ Mike Rogers nhận xét an ninh quốc gia Mỹ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Ông ghi nhận: “CHDCND Triều Tiên, Iran, Pakistan, Nga và Trung Quốc đều thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và vũ khí hủy diệt hàng loạt… Trong khi đó Tổng thống Obama đã cắt giảm chi phí phòng thủ chống tên lửa… Các kẻ thù của Mỹ đã biết nắm lấy cơ hội này…”.

Năm 2013, Hội đồng Khoa học Quốc phòng của Mỹ đã từng công bố báo cáo cảnh báo các vũ khí then chốt và các hệ thống quân sự quan trọng khác của Mỹ rất dễ bị tin tặc tấn công.

Báo cáo kết luận: “Mỹ không thể bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin vẫn sẽ hoạt động khi bị tấn công từ một đối thủ tinh vi, có nguồn lực tốt bằng cách sử dụng khả năng tin tặc kết hợp với toàn bộ năng lực quân sự và tình báo”.

Lầu Năm Góc vừa thông báo kế hoạch đưa tàu lặn không người lái đến gần quần đảo Trường Sa để đối phó với Trung Quốc. Lầu Năm Góc đang hoàn thiện nhiều tàu lặn không người lái với nhiều kích thước và tải trọng khả dụng khác nhau để hoạt động ở vùng biển ít sâu nơi tàu ngầm không thể hoạt động được. Báo Financial Times tiết lộ năm tới Lầu Năm Góc dự kiến chi 8 tỉ USD cho tàu ngầm và tàu lặn không người lái, trong đó ưu tiên cho tàu lặn tự hành.

Tàu lặn không người lái có nhiều ưu điểm như được điều khiển từ xa như máy bay không người lái, không chở theo người, kích thước nhỏ nên khó bị phát hiện, rẻ tiền nên có thể triển khai hàng loạt. Song song đó, Lầu Năm Góc cũng đang phát triển tàu nổi không người lái. Ngày 7-4, lần đầu tiên quân đội Mỹ đã công bố tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter. Tàu dài 40 m, di chuyển với vận tốc 50 km/giờ, do Công ty Leidos của Mỹ chế tạo.

______________________________

5 năm tới, Lầu Năm Góc sẽ đưa tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter vào sử dụng ở khu vực đông Thái Bình Dương, theo thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm