Mỹ siết thêm gọng kìm với Trung Quốc

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 25-6 chính thức trình Thượng viện phiên bản năm 2021 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDA) thường niên. NDA quy định cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ 740 tỉ USD ngân sách hoạt động. Đáng chú ý, gần 7 tỉ USD trong số này dùng để chi cho một kế hoạch mới ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên gọi Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI).

Sáng kiến kìm tỏa TQ

SCMP nhận định sự xuất hiện của Sáng kiến PDI cho thấy Washington đã có sự đoàn kết với hướng đi chung khi thành viên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý rằng TQ đang là mối nguy cực kỳ đáng lo ngại với Mỹ. Phần mô tả tóm tắt trong NDA nêu rõ Sáng kiến PDI sẽ giúp Washington trấn an đồng minh, đối tác, tăng cường năng lực quân sự cũng như tái khẳng định cam kết của Mỹ vào nỗ lực bảo vệ an ninh và thịnh vượng toàn khu vực.

Chiếu theo nội dung trên, chuyên gia Christian Le Miere thuộc công ty tư vấn rủi ro Archipel (Mỹ) dự đoán Mỹ sắp tới có thể thay đổi mô hình tập trung quân ở một số ít căn cứ lớn gần bờ biển TQ sang rải đều lực lượng ở nhiều căn cứ nhỏ hơn, được phòng thủ tốt hơn, đặt ở các vị trí chiến lược. Theo ông Miere, “mục đích của động thái này là không tạo cho TQ cơ hội dễ dàng tấn công tên lửa tiêu diệt căn cứ của Mỹ, mà phải mất sức di chuyển giao chiến từng cụm cố thủ nhỏ”.

Trong khi đó, tạp chí quân sự War on The Rocks (Mỹ) mới đây đăng bài bình luận rằng đây là dấu hiệu Mỹ đã cạn kiên nhẫn với TQ và muốn chuyển sang kiểu “ngoại giao pháo hạm” hoàn toàn thay vì tìm cách đối thoại trong hòa bình. “Bằng việc khoe cơ bắp thông qua tăng ngân sách quân sự tập trung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington phát đi một thông điệp mạnh mẽ là hoàn toàn có thể ngăn chặn chiến tranh bằng cách thuyết phục TQ rằng đối đầu trực diện với Mỹ sẽ không có cơ hội chiến thắng” - tạp chí này nhận định.

Ngoài ra, các khoản đầu tư thuộc Sáng kiến PDI cũng dự kiến sẽ tập trung vào cải thiện năng lực hậu cần, triển khai các loại tên lửa phòng thủ chiến trường, tàu sân bay, cơ sở hạ tầng bến cảng, kho nhiên liệu và đạn dược. Đây là những công nghệ sẽ đóng vai trò chủ chốt đối với việc bố trí lực lượng trong tương lai của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Blue Ridge di chuyển qua vùng biển Philippines vào tháng 3. Ảnh: AP

War on The Rocks nhận định việc cải thiện công tác hậu cần rất quan trọng. Đơn cử, không quan trọng việc quân đội Mỹ mua bao nhiêu máy bay chiến đấu F-35 nếu chỉ có một số ít được triển khai ở khu vực. Mỹ cũng sẽ lép vế nếu các căn cứ không có khả năng phòng thủ chống các loại tên lửa của TQ, không có các sân bay thứ cấp để tiếp nhiên liệu và đạn dược….

“Sáng kiến PDI sẽ khuyến khích tăng cường tập trung vào bố trí lực lượng và hậu cần hợp lý, đồng thời giúp xem xét liệu những yêu cầu này có phù hợp với các nguồn lực hiện có hay không, giúp Mỹ tiết kiệm được kinh phí, thời gian” - War on The Rocks nhận xét.

Cuối cùng, bằng việc tăng các nguồn hỗ trợ an ninh dành riêng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sáng kiến PDI sẽ giúp các đồng minh và đối tác của Mỹ xây dựng được năng lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền. Nói cách khác, những nước này sẽ không phải một mình đối mặt với mối đe dọa từ TQ.

Bắc Kinh sẽ dùng mọi biện pháp có thể để ngăn Mỹ đặt tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi Washington muốn đặt tên lửa ở Nhật, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Ngô Khiêm. 

Một hậu quả của căng thẳng Mỹ - Trung

Hồi tháng 12-2018, Tổng thống Donald Trump cũng từng ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) nêu rõ Washington sẵn sàng sử dụng biện pháp chính trị, ngoại giao để liên kết mạng lưới đồng minh, đối tác nhằm đảm bảo an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đến năm 2020, Sáng kiến PDI ra đời đã bổ sung thêm các biện pháp quân sự nhằm siết chặt hơn nữa thế kìm tỏa TQ, phù hợp với chiến lược kêu gọi toàn bộ các cơ quan chính quyền Mỹ vào cuộc chống TQ.

Theo tờ Asia Times, Sáng kiến PDI phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng. Trước đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã tranh cãi về một loạt vấn đề như Biển Đông, thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị. Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump đã xác định rõ chiến thắng cuộc đua tranh giành quyền lực giữa các cường quốc là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu.

Bên cạnh đó, trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, giới lãnh đạo Washington cũng đang cần phải tạo hình ảnh cứng rắn và quyết liệt với TQ với chủ trương gia tăng áp lực toàn diện đối với Bắc Kinh. Mục đích là không để cho TQ tận dụng Mỹ đang bối rối và khó khăn nội bộ mà muốn làm gì thì làm ở châu Á và trên thế giới. Do đó, liệu Mỹ vẫn còn có thể giữ được áp lực này lên TQ sau bầu cử vẫn là một câu hỏi khó.

Sáng kiến PDI là di sản tinh thần của ông Obama?

SCMP cho rằng nội dung của Sáng kiến PDI khá giống với những gì cựu tổng thống Barack Obama từng muốn nhắm đến với chính sách xoay trục châu Á - Thái Bình Dương. Dù vậy, hướng đi của ông Obama được đánh giá là khá tốn kém do bao trùm một khu vực khá rộng. Do đó, việc chính quyền Tổng thống Trump chỉ nhắm vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đảm bảo nguồn lực của Mỹ sẽ tập trung và sử dụng hiệu quả hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm