Mỹ tái kích hoạt Hạm đội 2 ở bắc Đại Tây Dương đối phó Nga

Hải quân Mỹ vừa cho tái kích hoạt và triển khai Hạm đội 2 đến Bắc Đại Tây Dương sau khi giải tán từ năm 2011, Tư lệnh Các chiến dịch hàng hải Mỹ, Đô đốc John Richardson thông báo ngày 4-5.

“Chiến lược Quốc phòng của chúng ta nói rõ chúng ta đang quay lại thời kỳ cạnh tranh sức mạnh khốc liệt trong môi trường an ninh liên tục gia tăng thách thức và phức tạp. Đó là lý do hôm nay chúng ta viện tới Hạm đội 2 để đáp ứng các thay đổi này, đặc biệt ở Bắc Đại Tây Dương” - Đô đốc Richardson tuyên bố tại căn cứ hải quân Norfolk ở bang Virginia.

Đô đốc Richardson muốn nói đến chiến lược mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis soạn thảo và công bố hồi tháng 1, tăng đối phó với Nga và Trung Quốc.

Hạm đội 2 từng phụ trách cả Bắc và Nam Đại Tây Dương, trước khi bị giải tán năm 2011. Nhân lực, tài sản quân sự Hạm đội 2 được sáp nhập vào Bộ Tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Mỹ ở Norfolk. Việc tái kích hoạt Hạm đội 2 từng được đề cập trong nhiều báo cáo quân sự gần đây liên quan đến các vấn đề an toàn mà các tàu chiến Hạm đội 7 gặp phải ở Thái Bình Dương.

Hai tàu khu trục USS Porter (gần) và USS Arleigh Burke (xa) của Mỹ. Ảnh: US NAVY

Hai tàu khu trục USS Porter và USS Arleigh Burke (xa) của Mỹ. Ảnh: US NAVY

Theo một biên bản nội bộ của hải quân Mỹ mà USNI News thu thập được, trụ sở chính của Hạm đội 2 sẽ nằm ở Norfolk, Bộ Chỉ huy Hạm đội 2 sẽ chính thức hoạt động vào ngày 1-7, bước đầu sẽ có 15 quan chức, sau đó sẽ tăng dần lên hơn 250 người. Khu vực hoạt động chính của Hạm đội 2 là Bắc Đại Tây Dương. Khu vực Nam Đại Tây Dương đã và đang được Hạm đội 4 quản lý từ năm 2008.

Theo USNI News, thông tin kế hoạch tái kích hoạt Hạm đội 2 vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Trong khi USNI News nói Chỉ huy Hạm đội 2 sắp tới sẽ là Đô đốc Christopher Grady thì Navy Times nói Đô đốc Grady là Chỉ huy Bộ Tư lệnh Các Lực lượng Hải quân Mỹ từ ngày 4-5.

Thay đổi ở dàn lãnh đạo các hạm đội hải quân Mỹ bắt đầu khi Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được đề cử vị trí đại sứ tại Úc hồi tháng 4. Đến tháng 4, Đô đốc Harris lại được chuyển đề cử sang vị trí đại sứ tại Hàn Quốc. Đô đốc Philip Davidson rời vị trí Chỉ huy Bộ Tư lệnh Các Lực lượng Hải quân Mỹ chuẩn bị thay Đô đốc Harris.

Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk – tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga, thuộc Hạm đội phương Bắc. Ảnh: SPUTNIK
Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk - tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga, thuộc Hạm đội phương Bắc. Ảnh: SPUTNIK

USNI News dẫn lời nhiều quan chức Mỹ biết về quyết định tái kích hoạt và triển khai Hạm đội 2 cho biết bước đi này xuất phát từ “các đe dọa từ Nga ở Đại Tây Dương”. Russia Today cũng nhận định động thái này chỉ nhằm đối phó Nga.

Năm 2016, Phó Đô đốc James Foggo III lúc đó là Chỉ huy Hạm đội 6 hải quân Mỹ nhận định: “Các tàu ngầm của Nga đang len lỏi ở Đại Tây Dương, thử thách khả năng phòng thủ chúng ta, đối đầu kiểm soát của chúng ta trên biển và chuẩn bị sẵn không gian chiến đấu phức tạp dưới nước nhằm nắm lợi thế nếu có xung đột trong tương lai”.

Phó Đô đốc Foggo giờ là chỉ huy Bộ Tư lệnh Các Lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Shchuka-B của Nga ở cảng Brest, tây Pháp tháng 9-2004. Ảnh: AFP
Tàu ngầm hạt nhân lớp Shchuka-B của Nga ở cảng Brest, Tây Pháp tháng 9-2004. Ảnh: AFP

Dù quy mô nhỏ hơn thời kỳ Liên bang Xô Viết nhưng hải quân Nga trong vài năm qua đã thể hiện khả năng chưa từng thấy trước đây. Dường như lo ngại của Phó Đô đốc Foggo đã được xác nhận khi tháng 3 vừa rồi một số tàu ngầm Nga trong một lần tập trận đã tiếp cận bờ biển phía Đông Mỹ rồi rời đi mà không bị phát hiện.

Tàu chiến và tàu ngầm Nga cũng tham gia vào xung đột Syria từ tháng 9-2015. Lần triển khai nổi bật nhất đến Syria là vào tháng 11-2016 với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tàu tuần dương tên lửa hạng nặng Peter Đại Đế. Tháng 6-2017, Nga thông báo sẽ duy trì 15 tàu chiến ở đông Địa Trung Hải ngay bên ngoài Syria.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm