Mỹ, Triều sẽ đánh giá cao sự thận trọng của Việt Nam

Giới chức VN trước sau như một, luôn tỏ thái độ thận trọng trong phát ngôn, không để lộ các thông tin liên quan tới việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho báo giới hoặc bên thứ ba khác.

Cụ thể là toàn bộ các thông tin liên quan tới việc lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức hay các chi tiết về chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đều được “tiết lộ” cho báo giới thông qua các nguồn từ Mỹ hay Hàn Quốc chứ Bộ Ngoại giao VN hay các cơ quan chức năng khác của VN chỉ phát ngôn sau khi đã có thông tin chính thức từ chính quyền Mỹ hay Triều Tiên. Thái độ thận trọng, kín đáo này của phía VN chắc chắn đã và sẽ được cả Mỹ và Triều Tiên đánh giá cao như một cầu nối tin cậy cho quá trình đàm phán của hai bên và là tiền đề để VN đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế có đòi hỏi cao về mặt bảo mật thông tin trong tương lai.

VN trong tương lai gần hoàn toàn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp Mỹ và Triều Tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Tất nhiên đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi chúng ta có một chiến lược ngoại giao nhất quán, chủ động thay vì những nước đi trung gian có hiệu quả nhưng mang tính ngắn hạn, thiếu ảnh hưởng về dài hạn.

Bài học lớn cho VN về khía cạnh này là Mông Cổ. Mông Cổ từng rất thành công trong việc chủ động giúp tổ chức các hội nghị bán chính thức (track 1.5) giữa Triều Tiên và các bên liên quan như Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, do không thực sự có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của các nước khu vực và không thực sự theo đuổi đến cùng việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều, Nhật-Triều nên trong vài năm trở lại đây Mông Cổ đã không còn được chú ý đến nhiều trong tư cách một quốc gia trung gian cho các đàm phán liên quan tới Triều Tiên.

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer,
ĐH Harvard (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm