Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel:

Mỹ ủng hộ Nhật phòng vệ tập thể

Vài ngày sau khi nội các Nhật thông qua nghị quyết cho phép lực lượng phòng vệ thực thi quyền phòng vệ tập thể, ngày 5-7, báo Asahi Shimbun (Nhật) đã đăng bài phỏng vấn trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel (ảnh).

Ủng hộ Nhật đóng góp cho ổn định

. Hiện nay ở Nhật, một trong những vấn đề tranh cãi là quyết định nới lỏng các hạn chế tự áp đặt đối với quyền phòng vệ tập thể. Ông có thể nêu rõ lập trường về vấn đề này?

+ Nỗ lực thay đổi cách diễn giải hiến pháp của Nhật cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể vốn được ghi nhận trong hiến chương LHQ là nỗ lực của Nhật chứ không phải của Mỹ. Chúng tôi không thúc đẩy Nhật thực hiện những điều mà người dân Nhật không an tâm. Chúng tôi hoan nghênh và ủng hộ quyền phòng vệ tập thể.

. Liệu có hợp lý khi nói chính phủ Mỹ xem quyết định nới lỏng các hạn chế tự áp đặt này là nhân tố tích cực về nâng cao quan hệ đồng minh?

+ Chúng tôi trông đợi đây sẽ là nhân tố tích cực và thúc đẩy các lợi ích của Mỹ thông qua tác dụng khiến Nhật trở thành nước đóng góp tích cực hơn cho ổn định trong khu vực. Xây dựng quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Nhật vốn đã vững mạnh là lợi ích tốt nhất của Mỹ, Nhật và các nước trong khu vực.

Lực lượng phòng vệ Nhật tập trận đổ bộ trên đảo Amami Oshima (Nhật) hôm 22-5. Ảnh: KYODO

. Khi đến thăm Nhật, Tổng thống Obama nói điều 5 Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ sẽ áp dụng cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư… Đây là tuyên bố không mới của Mỹ nhưng do chính tổng thống Mỹ đưa ra. Điều gì khiến chính phủ Mỹ quyết định như vậy?

+ Vào tháng 4, khi chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng lên kế hoạch cho chuyến thăm Nhật của Tổng thống Obama, tôi nhận thấy dù có nhiều tuyên bố (cam kết Mỹ bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư) của cấp bộ trưởng và thấp hơn của Mỹ nhưng nhiều người ở Nhật, trong đó có báo chí dường như vẫn hoài nghi đây có phải là lập trường của chính phủ Mỹ hay không. Cũng có thể cảm nhận nhiều người bên ngoài Nhật có một số hoài nghi như vậy.

Nước lớn hay nhỏ đều phải theo quy tắc

. Theo khảo sát các chuyên gia chính sách ở 10 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), đa số hoan nghênh chiến lược xoay trục của Mỹ. Chỉ có các chuyên gia Trung Quốc (TQ) cho rằng chiến lược quá đối đầu với TQ. Dù Mỹ từng khẳng định chiến lược không nhắm đến TQ nhưng TQ không tin. Có gì sai ở đây?

+ Một câu chuyện lan truyền giữa các quan chức TQ và có lẽ là lan truyền giữa người dân TQ là mục tiêu của Mỹ nhằm ngăn chặn TQ. Có giả thuyết cho rằng Mỹ đang sử dụng “các quyền lực đầy ma lực” để gây phiền phức TQ. Thực tế không như vậy.

Không một nước nào, cường quốc nào nỗ lực nhiều hơn Mỹ để tạo điều kiện cho TQ phát triển ổn định và thịnh vượng. Dù đó là việc TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, khối G20 hay bất kỳ ví dụ nào khác, Mỹ đều tìm cách bảo đảm tiếng nói của TQ được lắng nghe trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Những gì chúng tôi yêu cầu đáp lại để giúp định hình các quy tắc đã từng cho phép TQ phát triển và thịnh vượng là TQ phải chấp nhận nguyên tắc và quy tắc ràng buộc các nước lớn, mạnh cũng như các nước nhỏ và yếu.

Đó là thông điệp chúng tôi gửi đến TQ về một số thách thức và vấn đề đang tồn tại trong khu vực… Đây là vấn đề lương tri.

Liệu TQ có quyền di chuyển giàn khoan cùng với rất nhiều tàu hải cảnh, tàu quân sự, tàu hải quân hay không? Vấn đề chúng ta đều hỏi là liệu đây có phải là ý tưởng hay, điều này có hợp lý không, tại sao lại diễn ra trong thời kỳ khu vực đang rất căng thẳng và trong khi các nhà lãnh đạo TQ từng nhiều lần tuyên bố cam kết bảo vệ môi trường hòa bình?

Liệu TQ có cần thiết phải bất ngờ triển khai giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam xem là vùng đặc quyền kinh tế của mình hay không?...

LÊ LINH

. Liên quan đến động thái của TQ ở biển Đông, trong cuộc họp báo từ xa với báo chí gần đây, ông tuyên bố TQ nên di dời giàn khoan (Hải Dương 981). Liệu ông có lời khuyên cụ thể nào cho TQ trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?

+ Tôi có lời khuyên cụ thể áp dụng cho mọi trường hợp là “kiềm chế”… Trước hết về điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, các tuyên bố như tuyên bố của Tổng thống Obama đã khẳng định rõ ràng và dứt khoát cam kết của chúng tôi. Các tuyên bố đó tạo ra không gian chính trị và ngoại giao để bảo đảm Nhật và TQ hay bất kỳ bên nào trong vấn đề lãnh thổ hiểu rằng phương thức duy nhất có thể chấp nhận là phương thức hòa bình. Đó có thể là kênh ngoại giao hoặc có thể trông cậy đến cơ chế pháp lý quốc tế như trường hợp Philippines kiện TQ… Tôi cho rằng sẽ có kỳ vọng cao nếu TQ hồi đáp tích cực với lời kêu gọi đó.

____________________________________

Lấy ví dụ TQ triển khai giàn khoan (Hải Dương 981) đến khu vực biển ở quần đảo Hoàng Sa, Mỹ không đứng về phía Việt Nam để chống TQ và ngược lại. Tuy nhiên, Mỹ đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi các bên tranh chấp làm rõ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng tính chất mập mờ trong tuyên bố chủ quyền sẽ mở đường cho hiểu lầm và đối đầu.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ DANIEL RUSSEL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm