ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA LẦN THỨ 14

Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xây đảo

8 giờ 50 sáng 30-5 (giờ địa phương), hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14 đã chính thức khai mạc tại Singapore.

Mỹ lo ngại nguy cơ dẫn đến xung đột

Phát biểu trong phiên họp toàn thể thứ nhất sáng 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại một số đảo ở biển Đông.

Ông ghi nhận một số quốc gia trong khu vực đã thiết lập tiền đồn ở các đảo tranh chấp tại biển Đông, tuy nhiên ông cho rằng phạm vi cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc là hoạt động đáng lo ngại nhất. Ông cho biết chỉ trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 800 ha trên biển Đông và chưa rõ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục cải tạo thêm bao nhiêu nữa.

Ông khẳng định Mỹ rất quan ngại về quy mô cải tạo đất của Trung Quốc và viễn cảnh quân sự hóa gia tăng tại các đảo nhân tạo vì điều đó dễ dẫn đến tính toán sai lầm hoặc tạo ra xung đột. Ông nhận định các đảo nhân đạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông đã phá hoại an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh: “Đầu tiên chúng tôi mong muốn giải quyết hòa bình mọi tranh chấp. Vì mục đích này, phải dừng ngay lập tức và lâu dài hoạt động bồi đắp của các nước đòi hỏi chủ quyền”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 30-5. Ảnh: AP

Ông lưu ý hoạt động cải tạo các rạn đá ngầm thành sân bay sẽ vẫn không đủ cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời có thể hạn chế tự do hàng hải và hàng không quốc tế. Ông cảnh báo các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng giải pháp quân sự, đồng thời kêu gọi thúc đẩy ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông nhấn mạnh tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục tham gia tuần tra trong khu vực để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không dựa trên luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter kêu gọi cần có nỗ lực ngoại giao mới để giải quyết tranh chấp đối với các đảo giàu tài nguyên ở biển Đông, trong đó ASEAN sẽ là hạt nhân. Ông ghi nhận tổ chức ASEAN cần phải giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực. Ông nhấn mạnh: “Ngay bây giờ, tại thời điểm quan trọng này là lúc tập trung tìm kiếm một giải pháp ngoại giao lâu dài để bảo vệ các quyền và lợi ích của tất cả… Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ kiên quyết thực hiện các quyền này”.

Nhật kêu gọi ASEAN giám sát không phận

Reuters đưa tin phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã cảnh báo các dự án cải tạo đất ở biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn.

Ông khẳng định: “Nếu tất cả chúng ta không giám sát kỹ tình hình, trật tự sẽ rối loạn, hòa bình và ổn định khu vực sẽ sụp đổ”.
Ông thúc giục các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc với tư cách là cường quốc nên hành xử có trách nhiệm.

Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đã đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” gồm ba giải pháp để củng cố an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó đáng chú ý là công việc giám sát liên tục không phận biển Đông do các nước thành viên ASEAN đảm nhận. Reuters ghi nhận Nhật có thể sẽ cung cấp máy bay, tàu và thiết bị quân sự để Philippines tăng cường tuần tra trên biển Đông. Nhật cũng đang xem xét giữ vai trò an ninh mạnh mẽ hơn ở biển Đông bằng cách cùng các nước trong khu vực mở rộng tuần tra hàng hải. Phản ứng với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Đại tá Triệu Hiểu Trác (Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc), thành viên phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nhận xét phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thực sự không đáng phải quan tâm.

Ông này phản bác: “Tự do hàng hải ở biển Đông không phải là tất cả vấn đề vì quyền tự do này chưa bao giờ bị ảnh hưởng… Thật sai lầm khi chỉ trích hoạt động xây dựng trên các đảo củaTrung Quốc gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hành xử đúng luật pháp quốc tế

Bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, đoàn đại biểu Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương.

Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh với Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hai bên khẳng định sẽ coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ giữ gìn hòa bình của LHQ, đào tạo, nghiên cứu, chuẩn bị tốt đối thoại quốc phòng cấp chiến lược Việt Nam-Trung Quốc một cách thực chất. Mặt khác, quân đội sẽ tham mưu tốt cho đảng, nhà nước và tuyệt đối kiểm soát tốt các vấn đề trên biển để tránh xảy ra xung đột.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ quan ngại về hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các đảo, đá tại Trường Sa của Việt Nam, do đó Trung Quốc cần có cách hành xử đúng với luật pháp quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích và mối quan hệ của nhân dân hai nước.

Về phần mình, trưởng đoàn Trung Quốc ghi nhận một cách tích cực và cho rằng quan điểm hai bên còn có khác biệt về vấn đề này. Tuy nhiên, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác theo thỏa thuận cấp cao hai nước, trong đó có lĩnh vực quân sự,
quốc phòng.

Tại cuộc gặp với trưởng đoàn Philippines, hai bên Việt Nam và Philippines khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực hải quân, an ninh biển, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ quốc phòng ASEAN cũng như các diễn đàn đa phương khác. Philippines đã bày tỏ lo ngại về cách hành xử của Trung Quốc gần đây trên biển Đông và cho rằng đó là hành động trái với luật pháp quốc tế, không phù hợp với các cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã tiếp xúc với đại diện các đoàn Singapore, Tây Ban Nha, Israel, Đức, New Zealand, Ấn Độ và Tập đoàn Mỹ Lockheed Martin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm