Mỹ-Nhật cần mở rộng đồng minh

Mỹ và Nhật cần củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh, đồng thời mở rộng mạng lưới đồng minh với Úc, Ấn Độ và các nước khác để biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực tự do, mở cửa, ổn định và thịnh vượng.

Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhất trí như trên trong cuộc hội đàm tại Honolulu (bang Hawaii) hôm 27-12 (giờ địa phương).

Hội đàm diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe trong hai ngày 26 và 27-12.

Hãng tin NHK (Nhật) đưa tin mở đầu hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe đã cảm ơn Tổng thống Obama trong quá trình cùng làm việc bốn năm qua để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về an ninh và kinh tế.

Tổng thống Obama bày tỏ vui mừng đã cùng làm việc với ông Abe và mong mỏi liên minh Mỹ-Nhật ngày càng vững chắc.

Hai bên khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng củng cố quan hệ với các nước khác cùng chia sẻ các giá trị cơ bản về tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền.

Thủ tướng Abe ghi nhận Tổng thống Obama được xem như tổng thống Mỹ đầu tiên đưa quần đảo Senkaku (Trung Quốc đang tranh chấp) vào phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật trước đài tưởng niệm USS Arizona ở Trân Châu Cảng ngày 27-12. Đài tưởng niệm được xây dựng giữa xác tàu USS Arizona (bị quân Nhật đánh đắm ngày 7-12-1941). Ảnh: AP

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ về chính sách an ninh ba bên với Hàn Quốc.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định về trung hạn và dài hạn cần chú ý đặc biệt đối với hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc).

Liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe khẳng định tự do thương mại là điều không thể đảo ngược.

GS Triệu Toàn Thắng ở ĐH Mỹ (Mỹ) đánh giá chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama hồi tháng 5-2016 và chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Abe là động thái “đôi bên cùng có lợi”.

Ông nhận định động thái này đã phản ánh tâm thức hòa giải giữa hai cựu thù 75 năm sau ngày máy bay Nhật hoàng ném bom Trân Châu Cảng.

Ông cho rằng sắp tới ông Abe cần tiến thêm một bước nữa để hòa giải với Trung Quốc. Đó là đến thăm Nam Kinh, nơi quân đội Nhật hoàng đã gây tội ác chiến tranh vào cuối năm 1937.

Theo GS Triệu Toàn Thắng, sớm hay muộn phía Nhật cũng sẽ đến Nam Kinh nhưng không phải bây giờ.

Ông nhận xét: “Bây giờ đang xảy ra quá nhiều vấn đề như tranh chấp chủ quyền và nhiều vấn đề khác, do đó dường như điều kiện vẫn chưa chín muồi”.

Năm 1995, Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama đã đưa ra lời xin lỗi. Tháng 8-2015, bài phát biểu của Thủ tướng Abe trong lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai đã khẳng định lời xin lỗi ấy. Dù vậy, Trung Quốc vẫn mong muốn Nhật đưa ra hành động khác nữa.

Ngày 27-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố chỉ có Nhật tin rằng an ủi hương hồn các nạn nhân ở Trân Châu Cảng là kết thúc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bà khẳng định: “Đừng quên rằng Trung Quốc là chiến trường chính ở châu Á-Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới chống phát xít và nhân dân Trung Quốc đã đóng góp to lớn cho chiến thắng”.

Bà nhấn mạnh: “Nhật không bao giờ có thể giở sang trang lịch sử mà không hòa giải với các nước nạn nhân ở châu Á, trong đó có Trung Quốc”. Bà cho rằng Nhật đừng nên tránh né vấn đề cơ bản nêu trên và kêu gọi Nhật “suy nghĩ chân thành và sâu sắc về lịch sử xâm lược của Nhật để từ bỏ hẳn với quá khứ”.

__________________________

Với tư cách thủ tướng Nhật, tôi thành thật chia buồn cùng hương hồn những người đã khuất tại đây… Chúng tôi sẽ không bao giờ lặp lại chiến tranh khủng khiếp… Thông điệp tôi mong muốn gửi đến nhân loại tại Trân Châu Cảng này, cùng với Tổng thống Barack Obama, là thông điệp về sức mạnh hòa giải.

Thủ tướng SHINZO ABE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm