Mỹ-Triều ‘âm thầm’ đối thoại về chương trình hạt nhân

Theo hãng tin AP ngày 24-9, trong con mắt nhà ngoại giao Triều Tiên, đại sứ Mỹ tại Seoul (Hàn Quốc) là “kẻ phản diện”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Liên Hiệp Quốc rằng Triều Tiên là một vùng “đất hoang”. Thế nhưng nhiều lần trong bí mật, giới ngoại giao và tình báo Mỹ vẫn thường xuyên gặp gỡ các quan chức cấp cao của Triều Tiên.

Họ gặp nhau đối thoại ở Singapore, Berlin (Đức), có lúc ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc một nơi nào đó để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, những tác động của lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Bình Nhưỡng. Họ cũng bàn về mối đe dọa an ninh đang gia tăng ở Washington, Seoul và Tokyo.

“Người Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không đại diện cho chính phủ Mỹ. Vì thế, đôi khi trong đối thoại chúng tôi đưa ra những vấn đề mà chính phủ Mỹ không thể đưa ra” – Leon Sigal, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói. Ông Leon Sigal cũng là người đóng vai trò quan trọng trong những cuộc “đối thoại ngầm” diễn ra từ cuối năm ngoái.

binh sĩ Triều Tiên

Binh lính Triều Tiên đeo ba lô có biểu tượng hạt nhân trong một cuộc diễu binh. Ảnh: SCMP

“Đối thoại ngầm” thường được những quốc gia thù địch sử dụng để chuyển giao thông điệp. Hai quốc gia Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức một loạt các cuộc thảo luận bí mật bắt đầu từ cuối năm ngoái nhưng không đem lại kết quả gì. Kể từ đó, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng tên lửa, xây dựng kho vũ khí ngày càng tinh vi.

Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan áp dụng cách này để trao đổi tranh chấp ở khu vực biên giới Kashmir.

Do đó, giới phê bình nói rằng “đối thoại ngầm” giữa Washington và Bình Nhưỡng là sự phí phạm thời gian, không đem lại kết quả gì. Trái lại, nó chỉ tạo điều kiện để Bình Nhưỡng đưa ra những yêu sách quá đáng.

 Tuy vậy, John Delury, giáo sư tại ĐH Yonsei ở Seoul cho rằng với kênh thông tin liên lạc giữa Triều Tiên và Mỹ gần như không tồn tại, “đối thoại ngầm” đã trở thành nơi dành cho các cuộc thảo luận không chính thức giữa chính phủ với chính phủ. Theo ông, đối thoại không chính thức được xem là cách để Triều Tiên truyền tải thông điệp gián tiếp trong khi ngại đưa ra trong các kênh chính thức.

Những người tham gia đối thoại bí mật ít khi bị chất vất trong khi thông tin từ những cuộc đối thoại này thường được chia sẻ rộng rãi trong giới chuyên gia của chính phủ, học viện và viện chính sách.

Chuyên gia Delury cho biết “đối thoại ngầm” đem lại kết quả gì tùy thuộc vào người được hỏi là ai.

Dù bị xem là không mang lại kết quả gì đáng kể nhưng theo ông Sigal, thông qua những cuộc đàm phán bí mật này, giới chức Mỹ nhận thấy Triều Tiên sẵn sàng cắt giảm chương trình hạt nhân dù bên ngoài vẫn khăng khăng mình là siêu cường hạt nhân.

Trong khi đó, vài chuyên gia tham gia “đối thoại ngầm” lại nghĩ khác, cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận việc phi hạt nhân hóa.

“Trong nhiều cuộc họp gần đây, tôi đặt vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Và câu trả lời của họ khá dứt khoát: “Chúng tôi là quốc gia có vũ khí hạt nhân… các vị phải học cách sống và chấp nhận thực tế này””, Evans Revere, cựu chuyên gia phụ trách vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, kể lại.

“Hầu hết mọi người ở Washington giả định rằng Triều Tiên là kẻ xấu, điều đó có thể đúng nhưng bạn không thể đối phó nếu không nói chuyện với họ. Đó là lý do vì sao cần có “đối thoại ngầm””, ông Sigal nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm