Mỹ-Triều cần bước đột phá thứ hai

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton khẳng định Washington không “ngây thơ” trong việc tin vào lời hứa phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Mỹ không “ngây thơ”

“Không một ai trong chính quyền này mơ mộng hão huyền đối với việc chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ hoàn toàn từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân của nước này”, ông Bolton nói trong một cuộc phỏng vấn của kênh Fox News Sunday.

Lý lẽ của ông Bolton một lần nữa khẳng định rằng chính quyền Trump đặt kỳ vọng không nhỏ vào việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, mặc dù điều này hoàn toàn bất khả thi suốt từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đến nay. Nhà Trắng có nhiều lý do để tin vào Triều Tiên hơn là xem “phi hạt nhân hóa” thật sự chỉ là một trò bịp. Vô số các động thái thiện chí được Bình Nhưỡng thực hiện, như tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, trao trả tù nhân Mỹ, trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên, làm lành với Hàn Quốc, không ngừng phát biểu kiềm chế ngay cả khi ông Trump bày tỏ giận dữ. Và đỉnh điểm là cuộc gặp lịch sử Trump-Kim tại Singapore.

Biểu hiện này của Triều Tiên rất khác biệt so với hai người tiền nhiệm, cũng là ông nội và cha của Chủ tịch Kim Jong-un. Các thông tin về sự trì trệ và suy kiệt kinh tế do bị cấm vận, nhất là lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc từ năm 2017 đủ để thuyết phục Triều Tiên phải thật sự xem xét lại chính sách phát triển hạt nhân của mình, trong bối cảnh thế giới hội nhập và phát triển mạnh mẽ.

Quan trọng nhất là Triều Tiên vẫn đang rất kiên nhẫn dù cho đến hiện tại, ông Trump ngoài những lời hoa mỹ dành cho Triều Tiên trên Twitter vẫn chưa có những động thái mang lại lợi ích rõ ràng hay hào phóng với Bình Nhưỡng.

Hôm 4-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các quốc gia khác, trong đó có Nga và Trung Quốc, không được giảm bớt bất kỳ sự trừng phạt nào với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Quan điểm này nhất quán với những gì Washington tuyên bố từ trước khi lãnh đạo tối cao của hai nước gặp nhau hồi tháng 6.

Tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cuối tuần trước, ông Pompeo và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho đã có cuộc gặp mặt “chóng vánh” nhưng “lịch sự”. Cả hai tươi cười trước ống kính của báo chí và quan chức các nước. Dù vậy, phát biểu cứng rắn của ông Bolton và động thái không nhượng bộ của ông Pompeo cho thấy thông điệp của Washington với Triều Tiên rất rõ ràng: “từ bỏ hạt nhân trước, gỡ bỏ cấm vận sau”. Ông Bolton hoàn toàn có lý khi cho rằng ông Trump đang “mở cửa” để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa là vấn đề mà chắc chắn nếu chỉ ông Trump “mở cửa” còn ông Kim không “mở lòng” thì sẽ rất khó giải quyết.

Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng phát triển hạt nhân để đàm phán với Washington về tương lai  quan hệ hai nước. Ảnh: KCNA

Triều Tiên “không dễ bị bắt nạt”

Triều Tiên cũng không dễ bị những lời hứa, theo kiểu “Mỹ không áp dụng mô hình Libya với Triều Tiên sau khi phi hạt nhân hóa” của ông Trump trên Twitter; càng không ngại chỉ trích những đòi hỏi của các phái đoàn đàm phán đến từ Washington do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn dắt.

Vừa “tay bắt mặt mừng” với ông Pompeo ở Singapore tại ARF, Triều Tiên lập tức chỉ trích Mỹ đòi hỏi quá nhiều nhưng không chịu cho đi bất kỳ điều gì. “Việc thúc đẩy các yêu cầu đơn phương sẽ càng làm gia tăng thêm sự ngờ vực chứ không phải hồi phục niềm tin” - Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho nói.

Ông Kim Jong-un dường như đang chờ những hành động thiện chí tương đương đến từ Mỹ. Trong đó có việc thiết lập một hiệp ước hòa bình, thay thế cho thỏa thuận đình chiến hay ngừng bắn giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1953. Hiệp ước hòa bình, trên cơ sở có sự tham gia của Mỹ và các bên liên quan như Trung Quốc, Nga và thậm chí rộng rãi hơn sẽ củng cố niềm tin Triều Tiên không trở thành một phiên bản Libya 2.0 sau khi giải trừ hạt nhân. Tiếp theo đó, Bình Nhưỡng cần việc xóa bỏ (dần) các lệnh cấm vận và trừng phạt để đảm bảo các điều kiện thúc đẩy quá trình trở thành một “quốc gia bình thường”.

Giữa Mỹ và Triều Tiên, chắc chắn sẽ cần ít nhất một bước đột phá nữa sau cuộc gặp thượng đỉnh Singapore. Phải xem giữa Trump và Kim, ai sẽ kiên nhẫn và “nhu cương” đúng lúc hơn để có thể tạo ra niềm tin cho đối phương tiến về phía trước.

CNN dẫn lời một quan chức hiểu rõ quan điểm Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng tin rằng rất có khả năng hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump sẽ diễn ra. Việc trao đổi thư tín giữa ông Trump và ông Kim gần đây là những dấu hiệu tích cực. Dù thời gian và địa điểm của thượng đỉnh lần hai chưa được xác định nhưng rất có thể sự kiện này sẽ diễn ra vào cuối năm 2018. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm