Mỹ-Trung đàm phán giữa cuộc chiến nhưng không kết quả

Đàm phán thương mại Mỹ- Trung sau nhiều tháng ngưng trệ vừa được nối lại thủ đô Washington (Mỹ), nhưng kết thúc mà không có kết quả nổi bật nào.

Đàm phán diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-8. Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn. Dẫn đầu phái đoàn phía Mỹ là Thứ trưởng Tài chính David Malpass.

Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Mỹ đàm phán thương mại. Ảnh: AP

Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Mỹ đàm phán thương mại. Ảnh: AP

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, trong cuộc đàm phán, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một danh sách yêu cầu đã được sửa đổi kể từ cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên của 2 nước hồi tháng 5.

Mỹ cố gắng tạo sức ép để Trung Quốc giảm trợ cấp công nghiệp hoặc ít nhất giảm quy mô kế hoạch “Made in China 2025” – kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và robot.

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Tài chính David Malpass. Ảnh: REUTERS

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Tài chính David Malpass. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy phía Trung Quốc muốn thỏa hiệp về các yêu cầu này. Tại đàm phán, phía Trung Quốc vẫn chỉ đề nghị tăng mua hàng hóa Mỹ nhằm giảm thiếu hụt cán cân thương mại cho Mỹ, cho rằng đó là phương thức tốt nhất để Mỹ không đánh thêm thuế nhập khẩu vào hàng hóa Trung Quốc.

Theo thông cáo chính thức của Nhà Trắng sau khi đàm phán kết thúc, hai bên đã “trao đổi quan điểm về cách đạt được một quan hệ kinh tế bình đẳng, công bằng và có qua có lại”.

Phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo hai nước đã có những trao đổi “mang tính xây dựng, thẳng thắn” và sẽ tiếp tục liên lạc để bàn về những bước đi tiếp theo.

Theo nguồn tin của Bloomberg thì nhiều khả năng sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào nữa diễn ra cho đến sau bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ vào tháng 11 tới.

Cuộc đàm phán kết thúc chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Trung Quốc thi hành áp mức thuế 25% lên 16 tỉ USD hàng nhập khẩu của mỗi bên như đã thông báo vào đầu tháng 8. Như vậy mỗi bên đều đã đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng của nhau.

Công nhân dỡ hàng tại Trương Gia cảng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ngày 7-8. Ảnh: AFP

Công nhân dỡ hàng tại Trương Gia cảng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ngày 7-8. Ảnh: AFP

Mỹ còn đang chuẩn bị cho một đợt đánh thuế lớn hơn lên khoảng 6.000 hàng Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD vào tháng 9. Đợt đánh thuế này sẽ nhắm vào các mặt hàng như hóa chất, vật liệu thô, hải sản, xe đạp và trang thiết bị, nhưng đang vấp phải phản ứng tiêu cực từ các công ty trong nước.

Trong một diễn biến khác, ngày 23-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu một số biện pháp hạn chế mới nhắm vào các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ bất hợp pháp và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: SPUTNIK

Dự kiến hôm nay 24-8 (giờ Mỹ), phía Mỹ sẽ tiếp các phái đoàn từ Liên minh châu Âu và Nhật bàn hợp tác ép Trung Quốc xử lý các vấn đề trợ cấp công nghiệp và hành vi các công ty chính phủ nước này, tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm