Netanyahu sang Mỹ phản công Iran

Dự kiến ngày 30-9 (giờ địa phương), Tổng thống Obama sẽ đón tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục. Hội đàm Mỹ-Israel diễn ra chỉ ba ngày sau cuộc điện đàm lịch sử Mỹ-Iran (Tổng thống Obama gọi điện cho Tổng thống Iran Hassan Rohani).

Trong bối cảnh đó, báo chí quốc tế nhận định chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Netanyahu chủ yếu nhằm tách rời vòng tay Mỹ-Iran vừa mới lập và thuyết phục với Mỹ rằng những lời hứa hẹn về chương trình hạt nhân của Iran chỉ là đầu môi chót lưỡi.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Israel cho biết trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Netanyahu sẽ trao đổi với Tổng thống Obama rằng cấm vận kinh tế là biện pháp thúc ép Iran trở lại bàn đàm phán.

Ông cũng sẽ đề nghị bác bỏ mọi thỏa thuận nhượng bộ và yêu cầu Iran phải có các biện pháp cụ thể hơn, đặc biệt là ngừng làm giàu uranium và sử dụng plutonium cũng như chuyển giao vật liệu phân hạch ngoài lãnh thổ Iran.

Netanyahu sang Mỹ phản công Iran ảnh 1

Không khí năm nay tương phản với năm ngoái khi Thủ tướng Netanyahu lên diễn đàn LHQ đưa ra hình vẽ quả bom hạt nhân Iran và vạch đường ranh giới hạn đỏ. Ảnh: AP

Về phản ứng của Tổng thống Obama, báo giới nhận định còn khá mơ hồ. Có thể ông Obama sẽ lắng nghe Israel và thể hiện quyết tâm thử thách thái độ thành thật của Iran. Cũng có thể ông Obama sẽ bất chấp Israel và ủng hộ một thời hạn then chốt tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Iran.

Israel hiện là quốc gia hiếm hoi giữ quan điểm cứng rắn với Iran cho dù giới lãnh đạo Iran đã đổi giọng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, tổng thống Iran vừa mới gặt hái nhiều thành quả ngoại giao và truyền thông trong một tuần tham dự phiên họp Đại hội đồng LHQ ở New York.

Tổng thống Iran vừa phát biểu trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ hôm 24-9, Thủ tướng Netanyahu đã chỉ trích đó là những lời đạo đức giả. Trong khi đó, bên lề Đại hội đồng LHQ, tổng thống Iran chỉ trích thẳng thừng Israel là quốc gia duy nhất trong khu vực không tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhiều báo ở Israel nhận định Thủ tướng Netanyahu muốn mình như Churchill là người cảnh báo cho thế giới nguy hiểm tiềm tàng từ Iran và là người lội ngược dòng, tuy nhiên nhiệm vụ này rất khó khăn.

Alon Pinkas, nguyên tổng lãnh sự Israel ở New York, đánh giá Thủ tướng Netanyahu đã nhầm lẫn khi muốn đóng vai trò tiên tri. Ông Uzi Arad, nguyên giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Israel, phát biểu trên đài phát thanh nhận định Mỹ đã giảm bớt cứng rắn với Iran.

Báo Israel Hayom bình luận “làn gió Munich đang thổi ở phương Tây” (tại hội nghị Munich năm 1938, Pháp và Anh bỏ rơi Tiệp Khắc, buộc Tiệp Khắc nhượng đất cho Đức quốc xã).

Nói chung, không khí năm nay tương phản với năm ngoái khi Thủ tướng Netanyahu lên diễn đàn LHQ đưa ra hình vẽ quả bom hạt nhân Iran và vạch đường ranh giới hạn đỏ. Do đó không phải ngẫu nhiên mà ngày 29-9, cơ quan phản gián Israel công bố tin bắt gián điệp Iran. Trò ngáo ộp này có khi đạt được kết quả mong muốn!

“Nếu đây là chương trình hạt nhân hòa bình và tất cả chúng ta có thể xác nhận điều đó, thế giới có thể xác nhận điều đó, quan hệ với Iran có thể thay đổi cơ bản tốt hơn và thay đổi nhanh hơn”. Trả lời kênh truyền hình Mỹ CBS phát ngày 29-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran có thể được dỡ bỏ trong những tháng tới nếu Iran chấp thuận hợp tác và mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm