Nga: Chống tham nhũng trong Bộ Nội vụ

Sẽ sử dụng máy phát hiện nói dối

Theo sắc lệnh, trong ba tháng tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Rashid Nurgaliyev phải trình tổng thống kế hoạch cải cách theo hướng:

- Đến cuối năm 2010 giảm 20% trong tổng số 1,4 triệu nhân sự (cảnh sát, quân cảnh, nhân viên điều tra và công chức).

- Đơn giản hóa các chức năng của Bộ, giảm hai bộ phận trực thuộc Bộ.

- Luân phiên vị trí các cán bộ cao cấp.

- Cải tiến quy trình tuyển dụng nhân viên căn cứ vào đạo đức, tâm lý, đồng thời nâng cao yêu cầu về chuyên môn.

- Tăng cường các biện pháp chống tham nhũng trong cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của nhân viên.

- Thêm nhiều hình thức trợ cấp cho cảnh sát như xây nhà.

Nga: Chống tham nhũng trong Bộ Nội vụ ảnh 1

Ngày 8-12, Thủ tướng Putin đặt hoa viếng các nạn nhân vụ cháy hộp đêm tại TP Perm.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ viện Mikhail Grishankov thông báo ủy ban đã soạn thảo một dự luật quy định dùng máy kiểm tra nói dối để sát hạch công tố viên, thẩm phán, nhân viên các cơ quan an ninh, Bộ Ngoại giao, Bộ Tình huống khẩn cấp, hải quan, trại giam, bộ phận truy quét ma túy, cảnh sát và đặc biệt là người mới xin vào ngành cảnh sát.

Tiền lo lót = 1/3 GDP

Hồi giữa tháng 11, Tổ chức phi chính phủ InDem Foundation tại Moscow (chuyên nghiên cứu về tham nhũng tại Nga) công bố hằng năm người dân phải chi 318 tỉ USD để lo lót. Số tiền này tương đương 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga.

Cùng lúc đó, hãng tư vấn và kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers đã công bố kết quả điều tra cho thấy 71% doanh nghiệp ở Nga là nạn nhân thường xuyên của tội phạm kinh tế. Tỉ lệ này tăng 12% so với năm 2007 và cao gấp đôi so với các nước khác trong nhóm bốn nền kinh tế mới nổi gồm Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc.

Ông Anatoly Golubev, Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Liên bang Nga, cho biết hiện nay các doanh nghiệp đều phải gộp vào chi phí các khoản chung chi để bôi trơn và các khoản này chiếm chừng 40% giá thành sản phẩm.

Đầu tháng 11, sĩ quan cảnh sát Alexei Dymovsky ở Novorossiysk đã dũng cảm đưa lên mạng hai đoạn băng video gửi thủ tướng tố cáo các quan chức cảnh sát tham nhũng, đồng thời thừa nhận mình được thăng chức nhờ bắt giam người vô tội theo lệnh cấp trên. Sau đó, Alexei Dymovsky bị sa thải nhưng Bộ Nội vụ đã mở cuộc điều tra.

Theo một số chuyên gia cảnh sát, do Bộ Nội vụ ban hành chính sách thưởng và nâng chức dựa vào kết quả chống tội phạm, nhiều cảnh sát đã kê khống các vụ phạm pháp, thậm chí biến người vô tội thành tội phạm để được thưởng.

Ngày 10-12, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố thảm kịch cháy hộp đêm Lame Horse ở Perm một tuần trước là bằng chứng rõ ràng nhất cho thói quan liêu, tham nhũng và vô trách nhiệm của công chức. Sau vụ cháy, thị trưởng và lãnh đạo các ngành kinh doanh - thương mại, phát triển đô thị, an ninh công cộng ở Perm đã từ chức. Một số quan chức cơ quan cứu hỏa cũng bị sa thải. Số người chết tính đến nay tăng lên 152 người.

- Đấu tranh chống nạn tham nhũng là công tác đứng đầu trong danh sách các việc cần làm ngay (Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố lúc giữ chức tổng thống).

- Tham nhũng là kẻ thù số một của đất nước Nga và là rào cản chủ yếu đối với quá trình phát triển đất nước (Tổng thống Dmitry Medvedev).

- Nạn tham nhũng còn nghiêm trọng hơn hoạt động khủng bố bởi làm xói mòn lòng tin của dân và đánh phá nhà nước từ bên trong (Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng Anatoly Golubev).       

HỒNG CẨM - MINH NHỰT (Theo Pravda, Itar-tass, Ria Novosti, The Christian Science Monitor)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm