Nga đối mặt ‘sóng gió’ trước Mỹ

Sau năm 2018 rực rỡ của nền kinh tế Nga với mức tăng trưởng GDP 2,3%, những tưởng một dự báo rạng ngời khác sẽ được thông báo cho năm 2019. Nhưng không! Một màu u tối lại đang tờ mờ xuất hiện, báo hiệu một năm nhiều chuyển biến dành cho hai bên Đông, Tây. Mỹ rục rịch dự thảo lệnh trừng phạt mới, trong khi Nga đưa ra tối hậu thư bán đảo Crimea không phải để thương thuyết.

Hai thập niên sóng gió

Nga bác bỏ việc trao trả Crimea để thoát khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ, theo một thông báo chính thức từ Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky, dẫn lời thông tấn xã TASS. Tại Nhà Trắng, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã trình lên Quốc hội dự thảo luật về mức trừng phạt mới dành cho Nga mà theo Reuters có khả năng cao sẽ được thông qua giữa cơn bão phẫn nộ chống lại “sự can thiệp của Nga vào nền chính trị của các quốc gia khác”.

Mối quan hệ song phương Nga-Mỹ dần chuyển biến xấu. Đây là lần đầu tiên NATO sử dụng lực lượng quân sự mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC). Trong khi liên minh phòng thủ khẳng định đây là một can thiệp nhân đạo thì Nga hoàn toàn phản đối, cho rằng đó là hành động xâm lược. Mối quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn khi Nga liên quan đến nền chính trị Ukraine. Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, đẩy mâu thuẫn Đông-Tây lên đỉnh điểm.

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Jonathan Cohen, tại một phiên họp của UNSC về tình hình Ukraine hôm thứ Ba (12-2), tuyên bố rằng Mỹ sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga cho đến khi chính quyền Ukraine có quyền kiểm soát Donbas và Crimea.

Sự can thiệp quân sự của Nga vào nội chiến Syria một lần nữa kéo căng dây đàn buông lên những tiếng trách móc từ quốc tế năm 2015. Mỹ cũng cáo buộc Nga, cho rằng lực lượng không quân Nga tại Syria rõ ràng đã tấn công các cơ sở y tế, trường học và khu chợ búa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ở Washington tuyên bố cách tiếp cận này của Nga làm suy yếu việc tìm kiếm một giải pháp chính trị. Gần đây nhất, hai quốc gia Đông,Tây bước vào cuộc chiến công khai khi Nga bị cáo buộc can thiệp sâu rộng vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, dù Nga luôn bác bỏ điều này.

Tổng thống Donald Trump và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đang bắt tay trong một cuộc gặp ở Helsinki, Phần Lan vào tháng 7-2018. Ảnh: PABLO MARTINEZ MONSIVAIS, AP

Những dấu hiệu u ám

Các lệnh trừng phạt quốc tế thẳng tay tấn công Nga kể từ khi đất nước này dính líu đến vấn đề Ukraine vào năm 2014. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cùng các quốc gia và tổ chức thế giới khác áp đặt lệnh trừng phạt vào các cá nhân, doanh nghiệp và quan chức Nga. Tất nhiên Nga không ung dung làm ngơ khi thế giới quay lưng với mình. Đất nước xứ sở bạch dương đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu từ EU, Mỹ, Na Uy, Canada và Úc. Các lệnh trừng phạt gây thiệt hại kinh tế cho một số quốc gia EU, ước tính khoảng 100 tỉ euro (tính đến năm 2015).

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Crimea đã kết thúc. Trả lại bán đảo cho Ukraine để Mỹ không thiết lập lệnh trừng phạt là điều hoàn toàn không thể.

Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga LEONID SLUTSKY 

Dù vậy, phải thừa nhận Nga cũng chao đảo. Đồng rúp Nga sụp đổ, khủng hoảng tài chính leo thang. Thu nhập thực tế của người Nga giảm 0,2% trong năm 2018, theo Rosstat. Đồng thời, tiêu dùng hộ gia đình tăng 2,2% trong mức giá không đổi. Theo ngân hàng trung ương, các khoản vay cho các cá nhân đã tăng 22,4% trong năm 2018, một mức tăng kỷ lục kể từ năm 2014.

Với việc chính phủ nỗ lực kìm hãm chi tiêu để giữ một khoản tiền lớn chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế và giảm giá dầu, uy tín của Nga trên bàn cân quốc tế đã tăng lên. Tuy nhiên, việc giảm chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với việc thiếu các cải cách cơ cấu lớn cho nền kinh tế Nga và cũng không có tiến bộ nào dự kiến cho vị thế quốc tế của đất nước này trong tương lai.

Nền kinh tế Nga tăng trưởng 2,3% năm 2018, một con số không tưởng thậm chí từ các dự báo lạc quan nhất. Dự báo năm nay có lẽ không khả quan lắm đối với đất nước xứ sở bạch dương này. Theo một báo cáo của Bộ Kinh tế Nga, GDP sẽ tăng khoảng 1,3% năm 2019, thấp hơn cả dự báo của Bloomberg 1,5%. “Việc GDP đất nước tăng cao chủ yếu do yếu tố bột phát và không bền vững” - bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế cho biết hôm thứ Ba.

Ngân hàng Trung ương Nga trước đó đã dự báo tăng trưởng GDP 1,2%-1,7% vào năm 2019. Ngân hàng Thế giới kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng 1,5%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra dự báo là 1,8%. Liệu Nga sẽ đứng vững trước nguy cơ nhận thêm lệnh trừng phạt từ Mỹ? Đó sẽ còn tùy thuộc vào những chính sách đột phá từ Tổng thống Putin.

Dự thảo luật trừng phạt Nga sẽ cần chữ ký của Tổng thống Trump, người đã đi cùng với nỗ lực của Quốc hội gia tăng trừng phạt Nga, mặc dù đôi khi hơi miễn cưỡng, để trở thành luật hiện hành. Graham, một tiếng nói chính sách đối ngoại của Quốc hội Cộng hòa và cũng là đồng minh của Trump, cho biết ông sẽ quyết tâm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Moscow.

Theo Reuters, các lệnh trừng phạt sẽ nhắm tới các ngân hàng Nga đã hỗ trợ cho việc can thiệp vào bầu cử nước ngoài, ngành an ninh mạng quốc gia và các cá nhân gián tiếp hoặc trực tiếp tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp của Tổng thống Nga Putin. Dự luật cũng sẽ áp dụng một số biện pháp nghiêm ngặt đối với ngành dầu khí Nga, một thế mạnh chiếm tới 40% doanh thu của nước này. Các dự án năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga bên ngoài Nga, bao gồm các khoản đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. 

_______________________________

* Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm