Nga hồi sinh hạm đội Thái Bình Dương

Sau khi các hạm đội tại vùng Baltic và biển Đen được đầu tư đáng kể, các nguồn lực quốc phòng của Nga đang dần chuyển hướng sang miền Viễn Đông, quyết hồi sinh hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh một thời.

Át chủ bài dưới lòng biển

Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô dưới sự chỉ huy của Đô đốc huyền thoại Sergei Gorshkov từng có đến 800 tàu với năng lực chiến tranh xa bờ đáng nể. Tuy nhiên, kể từ sau Chiến tranh lạnh, hạm đội này đã đánh mất phần lớn sức mạnh của mình. Trước vai trò chiến lược ngày càng quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điện Kremlin đang quyết tâm hồi sinh hạm đội hùng mạnh tại khu vực.

Hai viên ngọc quý nổi bật nhất của hạm đội chính là cặp tàu ngầm hạt nhân lớp Borei Alexander Nevsky và Vladimir Momomakh, được đánh giá là loại tàu ngầm thiện chiến hàng đầu thế giới. Phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Borei được trang bị hệ thống tên lửa Bulava, có khả năng phóng từ 72 đến 200 đầu đạn siêu thanh điều chỉnh hướng bay độc lập. Các căn cứ tàu ngầm ở miền Viễn Đông phục vụ cho hạm đội cũng đang được Nga dốc tiền đầu tư. Căn cứ tàu ngầm hạt nhân Rybachiy ở vùng này nhiều khả năng sẽ trở thành nơi đóng quân của đến bốn tàu ngầm lớp Borei.

Các nguồn lực quốc phòng của Nga giờ đây đang được huy động để hiện đại hóa những căn cứ tàu ngầm chiến lược ở vùng Viễn Đông. Ảnh: RIA

Sức mạnh mặt biển lẫn trên không

Ngày 31-1, hải quân Nga tuyên bố hạm đội Thái Bình Dương cũng sắp tiếp nhận tàu hộ tống lớp Steregushchy tối tân. Tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa tiên tiến nhất của Nga và một hệ thống radar tàng hình. Chiếc tàu chiến mang tên Sovershenny (Bất khả chiến bại) sẽ có khả năng tiêu diệt đủ các mục tiêu tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và duyên hải. Nhiệm vụ chính của chiếc tàu này theo tuyên bố của hải quân Nga là để bảo vệ bờ biển phía đông. Ông Igor Kasatonov, cựu Phó Tổng chỉ huy hải quân Nga, cho biết sẽ có thêm ít nhất sáu tàu ngầm điện diesel lớp Varshyyanka được đóng bổ sung cho hạm đội Thái Bình Dương, trang bị thêm hệ thống tên lửa Kaliber-PL với tầm bắn đến 2.500 km.

Không những đội tàu được đầu tư mạnh, hạm đội miền Viễn Đông nước Nga còn nắm trong tay sức mạnh đáng nể trên không. Các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-95M đóng tại Vladivostok có tầm bay lên đến 6.400 km và được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm không đối đất với tầm bắn gần 555 km.

Trong thời gian qua, các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng đã tăng cường hiện diện nhiều hơn trong khu vực. Hạm đội này đã tham dự triển lãm vũ khí khí tài quốc tế Indodefense tại Indonesia vào năm 2016. Giữa tháng 12-2016, hạm đội cũng đã cập cảng Ấn Độ và tham gia tập trận chung tại vịnh Bengal. Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov, người đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga, cũng đã đến thăm Philippines vào đầu tháng 1 vừa qua.

Chú trọng phòng thủ

Trang Russia Beyond the Headlines (RBTH) bình luận hải quân Nga hiện được đầu tư tập trung chủ yếu để phòng thủ khu vực hơn là để phục vụ các trận chiến xa nước Nga. Các bước phát triển hiện nay nhắm đến thiết lập một vùng duyên hải an toàn, được phòng thủ kiên cố, giám sát và canh phòng chặt chẽ để bảo vệ bờ biển và hải quân Nga ở vùng Viễn Đông. Trang RBTH đánh giá hải quân Nga tại khu vực Thái Bình Dương vẫn còn bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa về số lượng. Các khó khăn về nguồn ngân sách quốc phòng cũng buộc Nga phải cân nhắc khi phát triển hải quân.

____________________________

“Dù đang tập trung vào châu Âu và Trung Đông, Nga vẫn tăng cường tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương cả về chính trị và quân sự. Các hoạt động này dù không mang tính khiêu khích nhưng rất quyết đoán. Nga thường xuyên thể hiện rõ thông điệp mình là một cường quốc Thái Bình Dương” - lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry B. Harris.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm