Nga hợp nhất thi tốt nghiệp phổ thông và ĐH, CĐ

Sinh viên Nga trong giờ học. Ảnh: www.gallupindependent.com.
Sinh viên Nga trong giờ học. Ảnh: www.gallupindependent.com.

Tổng thống Nga V.Putin đã ký công bố luật liên bang về việc bổ sung một điều khoản trong “luật Giáo dục” (1992, 1996) và luật Liên bang “Giáo dục đại học và sau Đại học” (1996).

Theo đó, từ 2009 trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga sẽ phải tổ chức kỳ thi quốc gia hợp nhất để đánh giá tốt nghiệp bậc giáo dục phổ thông 11 năm và sử dụng kết quả kỳ thi này nhằm tuyển sinh vào các trường đại học công lập, trung học chuyên nghiệp.

Nhưng Bộ Giáo dục & Khoa học Liên bang Nga quyết định ngay trong năm 2008 sẽ áp dụng luật này sớm hơn cho cả nước Nga. Sự kiện đó đã chấm hết cuộc tranh cãi kéo dài từ 2000 đến nay: Có hay không nên tổ chức kỳ thi hợp nhất cho nền giáo dục Nga.

Năm học 2000-2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga hồi đó là V.M.Filippov, đã cho tiến hành thí điểm tổ chức kỳ thi hợp nhất tự nguyện tại 5 chủ thể Liên bang. Kỳ thi này đã thu hút trên 55.000 thí sinh tham gia thi các môn khác nhau, đều theo kiểu trắc nghiệm khách quan.

Nhưng sau đó, trong giới giáo dục và xã hội Nga, xuất hiện hai phe đánh giá khác nhau về kỳ thi này. Một bên, chủ yếu là các hiệu trưởng và nhà giáo đại học phản đối.

Viện sĩ Viktor Xađôpnhitri, Hiệu trưởng Đại học Lômônôxôp, Moskva nói rằng, không nên thay hẳn thi vấn đáp tuyển vào đại học (đã thành truyền thống) bằng thi viết mà nên sử dụng phối hợp cả hai tuỳ trường hợp, còn “trắc nghiệm” chỉ nên coi là một công cụ để đánh giá một số tiêu chí nào đó chứ không nên tuyệt đối hóa nó; nếu dự định cho thi trắc nghiệm diện đại trà thì phải tổ chức rộng rãi việc tập luyện thật chu đáo.

Nhiều trường đại học không chấp nhận kiểu thi này. Nhưng Bộ trưởng Filippov vẫn chủ trương tiếp tục thí điểm rộng hơn và hy vọng sẽ áp dụng chính thức kỳ thi hợp nhất trên toàn liên bang sau vài năm nữa.

Theo ông, Nga thuộc trong số chưa đến 10% nước trên thế giới vẫn giữ hai kỳ tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển đại học riêng rẽ. Điều quan trọng là kỳ thi hợp nhất vừa giảm tốn kém việc chi tiêu cho kỳ thi tuyển sinh của cha mẹ học sinh và học sinh, đồng thời tạo ra sự bình đẳng và tiện ích đối với nhu cầu xin dự tuyển vào đại học của thí sinh các địa phương, nhất là học sinh các vùng xa xôi như Siberia.

Các em chỉ cần ở nhà gửi hồ sơ có bản chứng nhận kết quả thi này qua đường bưu điện đến các trường đại học hàng đầu ở thủ đô Moskva cách hàng mấy nghìn kilomet để dự tuyển và chờ kết quả.

Một lý do khác, bỏ thi tuyển vào đại học sẽ chống được nạn tiêu cực và tham nhũng trong tuyển sinh ở đại học công lập hiện nay, vì nhiều trường đại học vẫn tổ chức các “dịch vụ luyện thi” để tuyển sinh riêng cho trường mình.

Theo số liệu điều tra, hàng năm số sinh viên được vào đại học công theo kiểu này chiếm khoảng 1/3 số sinh viên được tuyển theo diện ngân sách nhà nước cung cấp (không phải nộp học phí).

Đối với đề thi trắc nghiệm khách quan gây tranh cãi, Bộ trưởng Giáo dục Nga cho rằng, không chỉ dùng kiểu đề chọn một câu trả lời đúng vốn nằm trong các phương án cho sẵn, mà phải có kiểu “trắc nghiệm mở”, tức là còn phải thêm loại câu hỏi “để mở” đòi hỏi thí sinh phải có suy luận lô gic và diễn đạt kiểu tự luận độc lập.

Đề thi phải đồng thời phân loại được “3 trình độ” đáp ứng các nguyện vọng thí sinh và yêu cầu để tuyển sinh của các loại trường. Mức thấp chỉ kiểm tra kiến thức theo yêu cầu cơ bản trong chương trình khung chuẩn giáo dục phổ thông, nhằm đánh giá thí sinh chỉ muốn (hay chỉ đạt mức) tốt nghiệp PT; loại câu khó hơn để phân loại, tuyển được vào các trường đại học diện rộng; loại khó nhất nhằm chọn được học sinh có năng lực chuyên sâu tuyển cho các trường đại học top đầu hoặc các chuyên khoa đặc biệt.

Với các trường yêu cầu năng khiếu đặc thù, Bộ cho tổ chức tuyển sinh riêng theo quyết định của Hiệu trưởng từng trường.

Từ đó, hàng năm từ học kỳ 1, Bộ Giáo dục Nga ra văn bản hướng dẫn sớm các vấn đề sẽ thi về các môn thi cũng như các loại đề kèm đáp án mẫu về “trắc nghiệm mở” để giáo viên hướng dẫn học sinh và các em luyện tập theo các mức yêu cầu trên. Chuẩn thang điểm chấm thi vừa theo thang điểm 5 bậc để xét tốt nghiệp, vừa theo thang điểm 100 bậc để phân loại xét tuyển vào đại học.

Nguyễn Như (Theo TPO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm