Nga không loại trừ khả năng đối đầu quân sự

Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York ngày 12-4 (theo giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã tổ chức phiên họp kín theo yêu cầu của Bolivia xoay quanh các đe dọa can thiệp quân sự vào Syria mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra nhiều ngày qua.

Ưu tiên hàng đầu: Ngăn chặn chiến tranh

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nhận định tình hình đang rất nguy hiểm. Trước các thông điệp đe dọa từ phía Mỹ, ông cho biết “không loại trừ” khả năng đối đầu quân sự nổ ra giữa Mỹ và Nga, hai cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Nebenzia cho biết ưu tiên hàng đầu của Moscow và cộng đồng quốc tế lúc này là ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Phía Nga tiếp tục đề nghị Mỹ và đồng minh kiềm chế, không đưa ra hành động quân sự nhắm vào Syria. Với thực tế Nga có hiện diện quân sự ở Syria, ông hy vọng Mỹ sẽ sử dụng các kênh liên lạc giảm căng thẳng giữa hai nước để tránh các diễn biến nguy hiểm.

Trả lời phỏng vấn Sky News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói cả Mỹ và Nga không nên để căng thẳng dẫn tới xung đột trực tiếp trên chiến trường Syria. Bà Zakharova tin tưởng hai nước có thể tìm được cách giải quyết thế bế tắc Syria nếu chịu đối thoại. Bà cũng cảnh báo Nga sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ tấn công vào Syria.

Nhằm giảm nguy cơ leo thang chiến tranh, Thụy Điển ngày 12-4 cũng đã trình lên HĐBA một dự thảo nghị quyết HĐBA gửi một đội giải trừ quân bị cấp cao đến Syria để giải quyết dứt điểm vấn đề sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, dẫn lời một số nhà ngoại giao tại LHQ, hãng tin Reuters cho biết đề xuất này không được nhiều thành viên HĐBA quan tâm. Ngày 10-4 vừa qua, HĐBA cũng bác ba dự thảo nghị quyết (hai của Nga và một của Mỹ) về việc điều tra nghi án tấn công vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta, Syria.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (trái) và Đại sứ Bolivia tại LHQ Sacha Sergio Llorenty Soliz trao đổi với báo chí sau cuộc họp kín của HĐBA ngày 12-4. Ảnh: REUTERS

Câu hỏi về bằng chứng

Năm ngày sau khi rộ thông tin tấn công hóa học ở Douma, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiều 12-4 tuyên bố nước này đã thu thập được bằng chứng cho thấy chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công. Ông Macron cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và sẽ ra quyết định về vấn đề này vào thời điểm thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Trước đó cùng ngày, ông Macron cho biết nếu Pháp không kích Syria thì mục tiêu sẽ là các cơ sở hóa học của Syria.

Trong khi đó, đội chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) vẫn chưa tiếp cận được thị trấn Douma để xác thực vụ tấn công hóa học khiến ít nhất 70 người thiệt mạng. Đội chuyên gia dự kiến bắt đầu công việc vào hôm nay (14-4). Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari ngày 12-4 cũng cam kết chính phủ Damascus sẽ tạo mọi điều kiện cho cuộc điều tra của OPCW.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters ngày 13-4 cho biết nội các Anh đã thống nhất ủng hộ ý định của Thủ tướng Theresa May rằng nước này cần hỗ trợ Mỹ ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Ngày 12-4, tổ chức quan sát không lưu tư nhân Mil Radar cho biết phát hiện sáu máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A Poseidon và một máy bay do thám EP-3E Aries II Mỹ bay trên vùng biển phía Đông Syria. Đây là nơi có căn cứ không quân Hmeymim và cơ sở hậu cần của căn cứ hải quân Tartus của Nga.

“Đe dọa đánh Syria của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và thách thức toàn bộ hệ thống LHQ” - Đại sứ Bolivia tại LHQ Sacha Llorenti cảnh báo. Trước đó, vào ngày 9-4, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley có tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng hành động đơn phương trong vấn đề Syria bất kể LHQ có đồng ý hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm