Nga lập 'vành đai thép' từ Bắc Cực đến Địa Trung Hải

Sức mạnh ngày càng tăng của Nga
"Chúng ta đang quan sát các động thái ngày càng hung hăng của một Hải quân Nga đang dần mạnh mẽ hơn" - Đô đốc Mark Ferguson, chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu, phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington. "Nga đang tập trung trực tiếp vào việc đối phó trước lợi thế của lực lượng hải quân NATO. Và họ đang phát tín hiệu để cảnh báo chúng ta rằng vẫn còn những xung đột trong lĩnh vực hàng hải" - ông nói.
Phát biểu trước Hội đồng NATO, ông Ferguson nói rằng quân đội Nga đã hồi sinh và đang mở rộng khả năng của mình kể từ sau Chiến tranh Lạnh. "Sự phản ứng là một yếu tố mới và như chúng ta thấy rằng động thái của Nga đã tích hợp đầy đủ các yếu tố bất ngờ về tốc độ và chiến lược" - ông nói.
Ông cũng cho biết thêm "thông điệp đến từ quân đội Nga phản ánh cách suy nghĩ và hành động mang đặc trưng thách thức trực tiếp cũng như đối đầu với NATO".
Đầu năm nay, ông Ferguson nói rằng Nga đã tiết lộ một chiến lược hàng hải mới mà theo đó "chú trọng hơn vào các vùng biển quanh Nga, trong bối cảnh nhiều cuộc thảo luận liên quan đến các kế hoạch nhắm vào khu vực Đại Tây Dương và Địa Trung Hải". "Họ đã nói về việc thiết lập sự hiện diện thường trực ở Địa Trung Hải và phá vỡ vòng vây quân sự của NATO, cũng như muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt kinh tế và cô lập chính trị" - ông nhận định.
Ferguson mô tả hoạt động của Nga trên nhiều mặt trận như tái khởi động các căn cứ quân sự thời Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực, phục hồi khả năng ở Baltic và triển khai các lực lượng trên bộ, trên không cũng như trên biển đến Syria.

"Hành động tái vũ trang này trong chính sách an ninh Nga rõ ràng chính là đang thiết lập một vành đai thép từ Bắc cực đến Địa Trung Hải" - Ferguson nói. Theo ông, bắt đầu từ các căn cứ mới tại Bắc Cực của mình đến Leningrad ở Baltic và Crimea ở Biển Đen, Nga đã triển khai tên lửa phòng không tiên tiến, hệ thống tên lửa hành trình và các thiết bị hiện đại khác.

 Nga nâng cấp nhiều tàu ngầm chiến lược để mở rộng hệ thống vành đai thép của mình. Ảnh: AFP

"Họ cũng đang xây dựng khả năng để phô bày sức mạnh trong lĩnh vực hàng hải. Căn cứ của Moscow tại Syria hiện nay mang đến cho họ cơ hội để làm như vậy ở Đông Địa Trung Hải" - ông nói. "Đây là một chiến lược xua đuổi trên biển nhắm vào lực lượng hải quân NATO. Mục đích của họ là nhằm tăng khả năng phản ứng trước các lực lượng hải quân hoạt động trong các khu vực này và do đó ngăn chặn hoạt động của NATO" - ông nói.

"Các căn cứ của Nga ở Bắc Cực và việc đầu tư 2,4 tỉ USD để mở rộng hạm đội Biển Đen vào năm 2020 chứng minh quyết tâm của nước này để phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở các vùng" - Ferguson chỉ ra. Ông cũng nhấn mạnh về sự gia tăng đáng kể trong khả năng của các tàu ngầm mới.
Tăng cường sức mạnh hải quân
"Họ cũng đang tăng cường khả năng triển khai sức mạnh từ vành đai này, đặc biệt trình độ và tiến độ hoạt động của lực lượng tàu ngầm Nga đang tăng lên. Theo Tư lệnh Hải quân Nga - Đô đốc Viktor Chirkov, mật độ tuần tra của tàu ngầm Nga đã tăng gần 50% so với năm ngoái. Nga đã tăng tiến độ hoạt động của mình nhờ lực lượng này đến mức độ chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua" - Ferguson nói.
"Nga cũng đã tận dụng các khả năng mới, chẳng hạn như tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm phòng thủ tên lửa đạn đạo" - ông nói thêm. 
"Họ cũng đang mở rộng phạm vi của các tàu ngầm bằng hệ thống tên lửa hành trình tiên tiến. Chỉ tháng vừa rồi, chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình Caliber đã được triển khai từ Hạm đội phương Bắc đến Biển Đen".
Chiến thuật của Nga, sử dụng cách đánh lừa và sự mơ hồ, được kết hợp với các khả năng mới trong chiến tranh điện tử và không gian mạng, Ferguson nói trước Hội đồng Đại Tây Dương.
"Nga cũng đang tích hợp các khả năng bất đối xứng vào các hành động quân sự truyền thống của mình. Điều này liên quan đến việc sử dụng chiến tranh không gian, không gian mạng, chiến tranh thông tin và chiến tranh hỗn hợp mà vốn được thiết kế để làm tê liệt các chu trình ra quyết định của liên minh NATO" - erguson nói.
"Trên mặt đất, Nga khai thác vấn đề chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, tận dụng chiến dịch thông tin gây hấn và mở rộng sử dụng thông tin sai lệch. Trên biển, họ tập trung vào việc làm gián đoạn các chu kỳ quyết định". Ngoài ra cũng đã có sự gia tăng đáng kể trong các cuộc tập trận bất ngờ.
 
Giải pháp ứng phó của NATO
Để phản ứng trước những thách thức này, Ferguson cho biết NATO và lực lượng Hoa Kỳ cần phải có ba ưu tiên.
"Chúng ta phải đầu tư vào lực lượng hải quân của chúng ta ở ba khu vực để tạo rào cản ngăn chặn đáng tin cậy trong lĩnh vực hàng hải" - ông nói.
Theo Ferguson: "Đầu tiên, chúng ta phải tăng cường đào tạo kỹ năng tham chiến. Thứ hai, các lực lượng phải tham gia vào các hoạt động thực tế. Và thứ ba, chúng ta phải đầu tư để chống trả trước tiềm lực ngày càng cao của Nga" -ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm