Nga: Mỹ xác nhận rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân, Nga đã sẵn sàng

Mỹ vừa xác nhận với Nga quyết định sẽ rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân tầm trung (INF), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết ngày 18-12.

“Hồi tháng 10 Mỹ công khai thông báo kế hoạch rút khỏi hiệp ước. Qua các kênh song phương cấp cao Mỹ đã xác nhận với chúng tôi đó là quyết định cuối cùng và không có ý định đối thoại” - Thứ trưởng Ryabkov nói với báo Kommersant (Nga).

Ông Ryabkov cũng cảnh cáo Nga sẽ có biện pháp nếu Mỹ triển khai tên lửa đến châu Âu đe dọa an ninh Nga. Cụ thể theo ông Ryabkov, nếu Mỹ có hành động này, Nga khả năng sẽ triển khai tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.

“Chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp cân bằng hiệu quả. Tôi muốn cảnh báo về nguy cơ đẩy tình hình tới một cuộc khủng hoảng tên lửa mới. Tôi tin không quốc gia tỉnh táo nào thích thú với chuyện này” - ông Ryabkov nói.

Nga nói Mỹ đã xác nhận sẽ rút khỏi Hiệp ước INF và tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu Mỹ đưa tên lửa đến châu Âu. Ảnh: SPUTNIK

Nga nói Mỹ đã xác nhận sẽ rút khỏi Hiệp ước INF và tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu Mỹ đưa tên lửa đến châu Âu. Ảnh: SPUTNIK

Thông báo rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra từ tháng 10 với lý do Nga không tuân thủ hiệp ước. Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ củng cố và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình đến chừng nào Nga và cả Trung Quốc “hiểu ra”.

Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ sẽ ngưng các bổn phận của mình quy định trong hiệp ước trong vòng 60 ngày nếu Nga không ngừng vi phạm.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên bang Xô viết ký năm 1987, bắt đầu thực hiện năm 1988. Theo hiệp ước, hai nước phải ngừng sản xuất, triển khai và sử dụng các loại tên lửa thông thường và hạt nhân tầm trung phóng từ mặt đất. Hiệp ước được xem là một thỏa thuận có tầm quan trọng rất lớn thời Chiến tranh lạnh, giúp chặn cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.

Những năm gần đây Mỹ và Nga liên tục cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga phát triển các loại tên lửa bị cấm theo hiệp ước, trong khi Nga cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai ở Đông Âu có thể được dùng để phóng tên lửa hành trình tầm trung gây nguy hiểm cho Nga.

Theo ông Ryabkov, lý do Mỹ muốn rút khỏi INF là vì muốn thoát khỏi các ràng buộc từ hiệp ước vốn “hạn chế khả năng của quân đội Mỹ trong đối phó các nước có kho tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất”. Các nước này, theo đề cập trước đó của Mỹ là Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm