Nga nói gì vụ đề xuất làm lành với ông Trump?

Họp báo ngày 13-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận Nga từng đề xuất với Mỹ một kế hoạch nhằm khôi phục quan hệ toàn diện và ngay lập tức, ngay trong những tuần đầu chính phủ Trump mới nhậm chức, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng.

“Nga chủ trương khôi phục đối thoại nhằm trao đổi quan điểm tiến đến thống nhất các giải pháp chung. Nhưng không may Nga không nhận lại điều tương tự từ phía Mỹ” – ông Peskov nói trong cuộc họp báo, cho biết đề xuất của Nga được gửi đến Mỹ thông qua các kênh ngoại giao.

Xác nhận từ phía Nga đến một ngày sau khi trang tin BuzzFeed News của Mỹ cho biết có thu thập được bản đề xuất một quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Putin (trái) từng gửi đề xuất làm lành đến ông Trump nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Ảnh: DAILY BEAST

Ông Putin (trái) từng gửi đề xuất làm lành đến ông Trump nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Ảnh: DAILY BEAST

Một quan chức chính phủ Nga xác nhận với CNN tính xác thực của thông tin: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi nghe rằng các tài liệu bị rò rỉ từ chính phủ Trump, nhưng chúng cũng cho thấy Nga đã cố hết sức để bình thường hóa quan hệ”.

Đề xuất của Nga kêu gọi Mỹ khôi phục tất cả các kênh - ngoại giao, quân sự, tình báo – vốn bị ngưng sau khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và Syria.

Nga đề nghị trong vài tháng tới hai nước hợp tác về an ninh thông tin, về Afghanistan, Iran, Ukraine, Triều Tiên. Dần dần sẽ tiến tới một cuộc gặp trực tiếp giữa các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu hai nước.

Khi được hỏi về thông tin bản đề xuất này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert không khẳng định cũng không phủ nhận, chỉ nói chung chung rằng Mỹ và Nga cùng chia sẻ mục tiêu cải thiện quan hệ ngoại giao.

Ngày 12-9 tại Phần Lan diễn ra cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao Mỹ và Nga. Đây là cuộc gặp thứ 3 trong năm nay giữa các quan chức cấp cao hai nước để bàn về quan hệ hai bên.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ những tưởng sẽ tốt hơn sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, nhưng lại xấu thêm sau vụ Mỹ nã tên lửa Syria rồi tới vụ trả đũa ngoại giao vốn bắt đầu từ cuối thời Obama. Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama cuối tháng 12-2016 – trước khi rời Nhà Trắng – đã cho tịch thu 2 khu nhà ngoại giao và trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Nga vì cáo buộc hỗ trợ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Nga sau vài tháng trì hoãn trả đũa chờ thái độ của chính phủ Trump thì sau một lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga đã trả lời bằng việc trục xuất 455 nhân viên ngoại giao Mỹ. Mỹ sau đó lại trả đũa bằng cách đóng cửa tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco và 2 khu nhà ngoại giao Nga ở New York và Washington. Hiện Nga đang cân nhắc trục xuất thêm nhân viên ngoại giao Mỹ.

Phe Dân chủ trưng hình ảnh Tổng thống Mỹ Trump chào mừng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Cuộc gặp diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: GETTY IMAGES

Phe Dân chủ trưng hình ảnh Tổng thống Mỹ Trump chào mừng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Cuộc gặp diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: GETTY IMAGES

Có thể thấy việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Syria, cũng như việc cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã gây khó khăn rất nhiều cho chính phủ Trump cải thiện quan hệ.

Hai ông Trump và Putin đã từng gặp nhau tại hội nghị G20 tháng 7 ở Hamburg (Đức). Ông Trump lúc đó đề xuất Nga cùng hợp tác về an ninh mạng, nhưng sau đó phải rút ý định vì bị chỉ trích từ phía chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm