Nga ở đâu trong ván bài Triều Tiên?

Ván bài Triều Tiên mang ý nghĩa lịch sử khi đưa quan hệ liên Triều nói riêng và cục diện Đông Bắc Á bước vào một cấu trúc mới.

Đàm phán sáu bên vẫn thiếu Nga

Trong bối cảnh các nước lớn đều tham gia vào vấn đề Triều Tiên thì nhìn trên tổng thể, dường như Nga đã thiếu mạnh dạn, dù rằng các quan chức Nga từng tuyên bố rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể được giải quyết khi thiếu Nga. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chính ở nước Nga thời Tổng thống Putin đã vô hình trung khiến Nga chững lại trong việc tham gia vào giải quyết các điểm nóng tại khu vực Đông Á.

Nếu vai trò của Washington quá rõ nét thì Bắc Kinh cũng nhanh chóng bắt nhịp. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang thể hiện vai trò năng động và thức thời trong bối cảnh châu Á mới. Khi Bình Nhưỡng chủ động tạo ra luật chơi thì “hai ông lớn” trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể không dự phần. Việc tham gia năng động vào vấn đề Triều Tiên giúp vai trò của hai cường quốc không bị lu mờ. Xa hơn, Washington và Bắc Kinh đều cố gắng nắm bắt quy tắc chung cốt yếu hòng có thể làm chủ cục diện.

Động thái của hai cường quốc đã tạo hiệu ứng tích cực qua việc lôi kéo các trung cường. Singapore đảm nhận tốt vai trò nước chủ nhà thân thiện. Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Hàn Quốc tích cực thực hiện ngoại giao con thoi. Trong các quốc gia từng tham gia đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì cho đến nay Nga là quốc gia mờ nhạt nhất. Nga đang tụt lại phía sau trong cuộc đua ảnh hưởng ở Triều Tiên?

Ngoài tuyên bố ngoại giao thì chính quyền Tổng thống Putin (thứ hai từ phải sang) đang tỏ ra mờ nhạt trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ảnh: CNN

Tâm thế phòng vệ hơn hội nhập

Thân thiện và hợp tác là lựa chọn khôn ngoan. Hình ảnh Cuba thân thiện trở lại đã đưa quốc gia này vào một thời kỳ hội nhập kinh tế mạnh mẽ. Trong khi đó, Venezuela liên tục dính lệnh trừng phạt kinh tế. Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS), Liên minh châu Âu (EU) cũng cân nhắc trước kêu gọi cấm vận kinh tế Venezuela của Nhà Trắng. Bình Nhưỡng hẳn đã rút ra nhiều bài học từ lịch sử và thời cục để lựa chọn một con đường phát triển mới.

Mỹ và TQ đang đạt được quyền lực cấu trúc khi đóng vai trò nòng cốt trong kiến tạo và phát triển các thể chế kinh tế tại khu vực. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang mang lại ưu thế cho TQ. Một nhà lãnh đạo kinh tế “rộng lượng” là hình ảnh mà TQ muốn gầy dựng.

Mỹ không thua kém khi đạt được tính chính danh về quyền lực thông qua vai trò nêu gương. Khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, nhấn mạnh thương mại tự do… đã giúp hình ảnh nước Mỹ trở nên tích cực trong mắt đồng minh và ASEAN. Mỹ cũng thành công khi kêu gọi các nước hành động vì những mục tiêu và giá trị tiến bộ. Nhật Bản và Úc thì mong muốn phát huy sức mạnh kinh tế trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Gấu Nga vẫn dựa vào dầu mỏ và vũ khí để duy trì vị thế cường quốc. Khi các cường quốc đang thích nghi với bối cảnh mới thì Nga có vẻ “bình chân như vại”. Người ta kỳ vọng nước Nga, trong vai trò cường quốc, thể hiện tiếng nói và ảnh hưởng của mình. Cho đến nay Nga vẫn chủ yếu duy trì tiếng nói trên phương diện ngoại giao.

Nga bày tỏ lạc quan vào tương lai phi hạt nhân hóa Triều Tiên và ủng hộ TQ đóng vai trò tích cực. Ngày 20-3, phái đoàn chính phủ Nga đã thống nhất với phía Bình Nhưỡng về kế hoạch xây dựng một cây cầu mới bắc qua con sông Đồ Môn, giữa biên giới Nga-Triều. Mới đây, tín hiệu lạc quan nhất diễn ra khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ Tổng thống Putin vào ngày 20-6 tại Moscow. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết hai vị tổng thống đã thảo luận về một số dự án kinh tế ba bên tiềm năng liên quan đến Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Về vấn đề Triều Tiên, người đứng đầu điện Kremlin tuyên bố sẽ nỗ lực giúp giải quyết những căng thẳng xung quanh vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đáng chú ý là Moscow đã đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí tự nhiên nối Nga và hai miền Triều Tiên. Phía Nga lập luận rằng những nỗ lực này có thể giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

Để kịch bản trắng tay trong vấn đề Triều Tiên không diễn ra, Nga cần một tâm thế hoàn toàn mới. Thế nhưng buộc Nga thay đổi góc nhìn là hoàn toàn không đơn giản. Đầu tháng 6, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không cảm thấy bị đe dọa trước những trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Tâm thế phòng bị của Moscow trước phương Tây là quá rõ ràng. Sự kết hợp giữa phong cách cứng rắn và quyết đoán kiểu Putin được thôi thúc bởi chủ nghĩa dân tộc đang trở thành điểm nhận diện của nước Nga trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh.

Rốt cuộc thì Nga không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu sự tích cực. Nếu Nga không tích cực nhập cuộc, chắc chắn cường quốc này sẽ bị quên lãng. Điểm số ảnh hưởng xuống thấp và vị thế sẽ suy giảm. Dừng lại thì chìm, đối đầu thì va chạm, chỉ có cách vượt qua. Chỉ có hòa vào dòng chảy hợp tác thì Nga mới tìm lại được hào quang đích thực trong quá khứ. Trong ván bài Triều Tiên, đây chính là thách thức lớn nhất cho chính quyền Putin.

Nga hoan nghênh cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên tại Singapore, đồng thời kêu gọi thêm các cuộc gặp tiếp theo. Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong tiến trình tiến hành các bước phi hạt nhân hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Về vấn đề quốc phòng Duma quốc gia 
(Hạ viện) Nga IURI SVYTKIN 

Nghiên cứu viên Cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm