Nga thử tên lửa siêu thanh Zircon, Lầu Năm Góc cảnh báo 'hoạt động gây bất ổn'

Ngày 19-7, Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói Bộ Quốc phòng Mỹ đã biết về vụ thử tên lửa Zircon siêu thanh của Nga và coi đây là một hoạt động gây bất ổn, theo hãng tin Sputnik.

"Chúng tôi biết về những tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về hệ thống tên lửa siêu thanh. Điều quan trọng là tên lửa siêu thanh mới của Nga có khả năng gây mất ổn định và gây ra rủi ro đáng kể vì chúng là hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân" - ông Kirby nói trong một cuộc họp báo.

Hình ảnh về vụ thử nghiệm tên lửa Zircon do Nga công bố. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Đô đốc Hạm đội Liên Xô Gorshkov đã bắn thành công  một tên lửa hành trình siêu thanh Zircon vào một mục tiêu mặt đất nằm trên bờ biển Barents - cách điểm bắn khoảng 350 km.

"Theo dữ liệu điều khiển khách quan, tên lửa Zircon đã bắn trúng mục tiêu thành công ở khoảng cách hơn 350 km" - thông báo viết.

Cuộc thử nghiệm đã kiểm tra các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa Zircon và xác nhận tốc độ bay của tên lửa này cao gấp bảy lần tốc độ âm thanh.

Theo thông tin Sputnik công bố hồi tháng 5, Nga dự kiến hoàn thành công tác kiểm tra khả năng nhắm mục tiêu của tên lửa Zircon đối với tàu nổi vào cuối mùa hè này. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với hệ thống tên lửa phóng trên mặt nước và dưới nước dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2021.

Những năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng Nga - phương Tây không có dấu hiệu giảm nhiệt, Moscow liên tục phát triển các loại "vũ khí của tương lai" - điều mà nước này hy vọng sẽ tạo ra lợi thế cho họ trong các cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ có kế hoạch trang bị tên lửa Zircon cho cả tàu chiến và tàu ngầm.

Tên lửa Zircon đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm. Vào tháng 10-2020, ông Putin đã mô tả một trong những vụ phóng thử là một "sự kiện trọng đại không chỉ trong cuộc đời của các lực lượng vũ trang Moscow mà là của toàn bộ nước Nga".

Moscow cũng tự hào đã phát triển một số loại vũ khí có thể phá vỡ các hệ thống phòng thủ hiện có, bao gồm tên lửa liên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình Burevestnik.

Các chuyên gia phương Tây đã liên hệ vụ nổ chết người tại một bãi thử ở miền bắc nước Nga vào năm 2019, vốn khiến mức độ bức xạ địa phương tăng đột biến, với tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, được ông Putin tiết lộ vào năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm