Nga: ‘Thuyền trưởng’ mới của Trung Đông?

Ngày 29-2, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kết thúc chuyến công du Nga kéo dài hai ngày để hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, thúc đẩy quan hệ song phương và ký nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng. Việc Nga và Iran tăng cường hợp tác thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy một trật tự mới đang được hình thành ở Trung Đông mà Nga là bên cầm trịch.

Tung quân khắp Trung Đông

Thắng trận ở Syria, Nga lại bị tố “ngó nghiêng” sang Libya. Reuters ngày 13-3 dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ, Ai Cập cáo buộc lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái của Nga hiện diện ở Sidi Barrani, cách biên giới Ai Cập - Libya khoảng 100 km. Lực lượng đặc nhiệm này gồm 22 người nhưng không rõ nhiệm vụ.

Giới phân tích nhận định động thái này của Moscow nhằm hậu thuẫn Tư lệnh quân đội Libya Khalifa Hafta. Họ tiết lộ thêm Nga cũng sử dụng một căn cứ khác về phía đông Ai Cập, ở Marsa Matrouh vào đầu tháng 2.

Nga cũng được cho là có quan hệ rất tốt với phe “Nghị viện Libya” ở TP Tobruk, do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Bằng chứng là Haftar đã lên thăm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga khi tàu rời Syria về nước, theo DW.

Trước đó một tuần, cố vấn của Hafta, ông Abdelbaset Al-Basti, đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ở Moscow và nhất trí cần thiết phải thiết lập một “cuộc đối thoại tập thể với đại diện của các nhóm chính trị và bộ lạc” Lybya, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đáng chú ý, Iran và Nga, hai đồng minh quan trọng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad, đã sát cánh, phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Syria. Nga đã bàn giao một số vũ khí tối tân, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-300, nhằm giúp Iran củng cố năng lực quốc phòng.

Đổi lại, Tehran đã cho phép Moscow sử dụng trở lại các căn cứ quân sự của Iran để thực hiện các cuộc không kích tại Syria theo “từng trường hợp cụ thể”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani(trái) bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK

Lôi kéo đồng minh

Tờ News Week nhận định chỉ sau ba thập niên đứng bên lề, Nga một lần nữa đóng vai trò là người chơi lớn trong khu vực Trung Đông.

Chỉ trong riêng sáu tháng gần đây, Moscow đã thay đổi cục diện cuộc nội chiến Syria và kiểm soát tiến trình hòa bình, tạo mối quan hệ thân tình với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của các liên minh truyền thống của Mỹ như Ai Cập, Saudi Arabia, thậm chí Israel.

Trong hơn hai năm qua, Tổng thống Putin đã tiếp đón các nhà lãnh đạo hàng đầu đến từ các quốc gia Ả Rập với con số tổng cộng là 25 lần, hơn cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới năm lần.

Đối với Moscow, xây dựng ảnh hưởng trở lại Trung Đông đem đến nhiều lợi ích. Nga có thể tiếp tục khuếch trương ảnh hưởng toàn cầu giống như dưới thời Liên Xô chưa tan rã. Mặt khác, Nga có thể tăng thêm các lợi thế ngoại giao để mặc cả nhằm làm mềm dẻo các lệnh trừng phạt đang bao vây nền kinh tế đất nước, bị phương Tây áp đặt sau vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Vị thế tại Trung Đông cũng có thể giúp ích cho Moscow trong các cuộc thương lượng với phương Tây trong tương lai.

Theo giới quan sát, chuyến công du Nga hai ngày 27 và 28-3 của Tổng thống Iran Rouhani diễn ra vào thời điểm hợp tác khu vực Nga-Iran, với trọng tâm là vấn đề Syria, đang bước sang giai đoạn mới.

Cựu đại sứ Anh tại Iran Richard Dalton bình luận bằng việc duy trì sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã giúp Iran duy trì “trục kháng cự lại Israel và Mỹ”.

Còn với Nga, Iran là đồng minh chính trị quan trọng, chìa khóa trong chiến lược dài hạn giúp Nga trở thành người chơi chính tại Trung Đông, theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngoại giao và chiến lược của ĐH Nam Florida Mohsen Milani.

____________________________

10 là số thỏa thuận hợp tác kinh tế được dự kiến ký kết giữa Nga và Iran trong chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Iran Rouhani.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm