Nga - Trung hợp tác trong nghi kỵ

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga trong ba ngày, Tân Hoa xã đưa tin ngày 22-3, sau khi đến Moscow, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố chung Nga - Trung

Sau hội đàm, hai bên đã ra tuyên bố chung như sau:

- Hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lên giai đoạn mới.

- Hai bên nhất trí tăng cường đầu tư song phương và khuyến khích sử dụng tiền tệ riêng của mỗi nước trong thương mại và đầu tư trực tiếp song phương. Hai bên nhất trí xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược vững mạnh về năng lượng bằng cách tích cực hợp tác về dầu khí, than, điện và năng lượng mới.

- Hai bên kêu gọi các nước lớn loại bỏ não trạng người thua kẻ thắng và xây dựng định dạng mới trong quan hệ nước lớn dựa trên vấn đề phát triển lành mạnh, ổn định và lâu dài.

- Về phòng thủ tên lửa, hai bên phản đối hành động đơn phương, không hạn chế trong xây dựng năng lực phòng thủ tên lửa của nước nào hay nhóm nước nào.

- Hai bên kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo đảm kinh tế thế giới tăng trưởng cân bằng và bền vững. Hai bên cam kết nâng cao hợp tác trong khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi) lên tầm cao mới.

Nga - Trung hợp tác trong nghi kỵ ảnh 1

Tổng thống Nga Putin hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Moscow ngày 22-3 (giờ địa phương). Ảnh: AP

- Về châu Á-Thái Bình Dương, hai nước nhấn mạnh phải khuyến khích các nước liên quan trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và đối thoại song phương.

Tình xưa nghĩa cũ

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình lần này được các nhà quan sát chính trị quốc tế theo dõi chặt chẽ vì đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ khi ông nhậm chức chủ tịch nước.

Thực ra quan hệ hai nước chỉ mặn nồng dưới trào Chủ tịch Mao Trạch Đông cho đến khi chiến tranh Nga-Trung bùng nổ năm 1969. Năm 2003, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Nga ngay sau khi mới nhậm chức. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trong quan hệ vẫn chưa có đột phá nào.

Vì lý do đó, tạp chí Eurasia Review (Tây Ban Nha) ngày 23-3 nhận định chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình là dấu hiệu cho thấy TQ đang hướng đến củng cố hơn nữa quan hệ với Nga.

Trong nhiều thập niên, quan hệ hai bên từng rơi vào băng giá. Tình hình thay đổi sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Liên Xô tan rã và một nước Nga mới khai sinh là các sự kiện đẩy lùi hận thù xưa cũ và đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.

Những năm gần đây phát sinh nhiều yếu tố thúc đẩy quan hệ Trung-Nga. Năm 1996, hai nước thiết lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (TQ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) nhằm tập trung hợp tác an ninh ở khu vực Trung Á. Năm 2001, hai nước ký kết hiệp định hợp tác, hữu nghị và láng giềng tốt. Gần đây, hai nước đã cùng chống lại kế hoạch áp đặt biện pháp trừng phạt Syria do phương Tây bảo trợ tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Nghi kỵ ẩn sau nụ cười

Mặc dù Nga và TQ đã thiết lập nền tảng chung trong chính sách ngoại giao nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng đằng sau nụ cười chính trị còn ẩn chứa nhiều mối nghi ngờ.

Chuyên gia Zbigniew Brzezinski, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Jimmy Carter, nhận định Tổng thống Nga Putin muốn sử dụng quân bài TQ để chống lại Mỹ khi có thể. Tuy nhiên, ông Putin không thể thực hiện tốt ý đồ này vì TQ không để Nga làm điều này.

Về mặt chiến lược, TQ và Nga là đối thủ ngấm ngầm của nhau ở Trung Á. Khu vực vốn chịu ảnh hưởng của Nga nhưng những năm gần đây Bắc Kinh đang gia tăng thiết lập quan hệ với các nước.

Hơn nữa, theo ông Zbigniew Brzezinski, người TQ không dễ quên các vấn đề lịch sử giữa hai nước, nhất là thời kỳ đế quốc Nga vào đầu thế kỷ 20. Khi đại sứ Nga tại TQ mở tài khoản trên mạng xã hội Weibo (TQ), nhiều công dân mạng TQ đã đòi lãnh thổ mà họ cho rằng đế quốc Nga đã chiếm của TQ trước đây.

Trả lời báo Thời Báo Hoàn Cầu (TQ) gần đây, GS Chu Phong ở ĐH Bắc Kinh nhận định quan hệ Trung-Nga vẫn chưa được cải thiện nhiều từ chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào năm 2003.

Theo ông có nhiều yếu tố tác động như thái độ trung lập của Nga trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa TQ và Nhật; Nga đánh Grudia ngay khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh diễn ra; khác biệt về cấu trúc kinh tế song phương trong thương mại. Ông kết luận hai nước gắn bó chủ yếu chỉ về vấn đề Mỹ.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga) đã ký kết với Tổng công ty Dầu khí quốc gia TQ sẽ cung cấp 30 tỉ m3 khí cho TQ. Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Nga) cũng ký kết thỏa thuận ghi nhớ về cung cấp dầu thô với Tổng công ty Dầu khí quốc gia TQ. Nhân dịp này, chín thỏa thuận hợp tác kinh tế cũng đã được ký kết. Đáng chú ý là các thỏa thuận hợp tác về năng lượng. Tập đoàn En+ (Nga) đã ký kết thỏa thuận khai thác than ở miền Đông Nga trị giá 2 tỉ USD với Ngân hàng Phát triển TQ và Tập đoàn Thân Hoa (TQ).

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm