Nga-Trung khó thành lập liên minh

Báo The Sydney Morning Herald (Úc) ngày 30-7 đã đăng bài viết với đầu đề “Các chuyên gia cảnh giác với hành động gắn kết mới của Trung Quốc với Nga ở biển Đông”.

Nga tìm cách “thọc gậy bánh xe” Mỹ

Báo Úc ghi nhận lời cảnh báo được đánh động cách đây vài tháng lúc một số cây bút bình luận Trung Quốc bắt đầu nêu tên Tổng thống Nga Putin và hô hào: “Nếu xảy ra cuộc chiến không thể tránh khỏi, ông hãy tiến về phía trước chiến đấu đầu tiên”.

Hiện nay hồi chuông cảnh báo càng vang vọng to hơn sau khi Trung Quốc thông báo Nga sẽ điều chiến hạm đến biển Đông để tiến hành tập trận chung với Trung Quốc.

Đây là diễn biến tình hình rất đáng ngạc nhiên khi một cường quốc như Nga can dự vào biển Đông.

Bài viết ghi nhận bạn đọc đừng ngạc nhiên khi nhận thấy Úc tham gia cuộc chơi trong khu vực tranh chấp ngày càng căng thẳng ở biển Đông.

Cho dù Mỹ kêu gọi, Úc vẫn không đưa tàu thực hiện tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp xây trái phép để chứng tỏ Úc không thừa nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Perfecto Yasay Jr. và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Manila (Philippines) ngày 27-7. Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh đó, báo Úc đặt câu hỏi: Vậy tại sao Nga lại có thể cảm thấy cần thiết phải đưa tàu chiến đến nơi xa xôi như biển Đông để rồi làm cho tranh chấp trở nên phức tạp hơn?

Chuyên gia Marina Tsirbas ở Trường An ninh quốc gia tại Canberra nhận xét Nga đang tìm cớ để “thọc gậy bánh xe” đối với Mỹ.

Trước đây, Nga đã đột ngột triển khai máy bay chiến đấu đến Syria để yểm trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad, kẻ thù của Nhà Trắng.

Lần này, Nga triển khai tàu đến biển Đông tập trận cũng là sự kiện đột ngột cho dù Nga luôn nhấn mạnh Nga là cường quốc ở Thái Bình Dương với quân cảng ở Vladivostok.

Chuyên gia Michael Wesley ở ĐH Quốc gia Úc lưu ý: “Trung Quốc và Nga ngày càng chứng tỏ bảo vệ lẫn nhau khi một trong hai nước phải đối đầu với phương Tây”.

Dù vậy, ông nghi ngờ hai nước sẽ thiết lập liên minh. Ông nhận xét “họ sẽ không vì nước kia mà tham chiến” mà chỉ đơn giản là xây dựng quan hệ hữu nghị với nhau mà thôi.

Theo báo Úc, điều quan trọng cần lưu ý là số tàu chiến Nga đưa đến biển Đông, quãng thời gian các tàu lưu lại và hoạt động của các tàu này như thế nào.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Úc đã tuyên bố: “Chúng tôi đang chờ đợi điều các bên sắp sửa hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Nỗ lực để có tuyên bố chung ASEAN

Trong khi đó tại Philippines, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert Del Rosario và cựu Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. đã lên tiếng chê bai Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay Jr. chưa nỗ lực đủ để thuyết phục ASEAN đưa phán quyết trọng tài vào tuyên bố chung.

Ngày 29-7, ông Del Rosario nói với báo chí: “Điều lý tưởng là ông ấy (Yasay) phải cổ vũ mạnh mẽ để đưa phán quyết trọng tài vào tuyên bố chung (của ASEAN)”.

Trong tuyên bố riêng rẽ, ông Jose Cuisia Jr. cũng phát biểu như thế và nói rất mạnh mẽ: “Trung Quốc đã dọa nạt chúng ta nhiều năm, quấy rối các ngư dân của chúng ta, đe dọa các cuộc tuần tra của tàu và máy bay của chúng ta. Họ đã xây dựng đảo trái phép trên ba rạn san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta…”.

Ông nhấn mạnh: “Vậy tại sao chúng ta phải sợ làm phật ý Trung Quốc? Họ là những kẻ đã có hành động khiêu khích. Họ đã bắt nạt các nước như Philippines và Việt Nam”.

Tuy nhiên, ngày 30-7, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay Jr. đã “phản pháo” rằng các bộ trưởng Ngoại giao Philippines tiền nhiệm đều không thể làm cho hội nghị ASEAN ra được tuyên bố chung nêu vấn đề giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Ông nhận xét nguyên do vì những người tiền nhiệm đi theo đường lối cứng rắn nên không thể có được một tuyên bố chung thể hiện đoàn kết của các nước ASEAN. Ông nói “muốn lột da mèo phải có nhiều cách” (tức có nhiều cách thức để đạt được thành công).

Ông khẳng định: “Tuyên bố chung đoàn kết này đã thúc đẩy thông điệp cơ bản mà ASEAN mong muốn đạt được là kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các tiến trình đã quy định, bao gồm sử dụng giải pháp trọng tài bắt buộc để giải quyết tranh chấp trên biển…”.

Ông nhấn mạnh tuyên bố chung của ASEAN hoàn toàn không làm suy yếu nền tảng pháp lý trong yêu sách của Philippines và thành quả mà phán quyết trọng tài đã mang đến cho Philippines.

Ngược lại, tuyên bố chung của ASEAN là chiến thắng ngoại giao vang dội cho phép ASEAN hợp tác với các đối tác truyền thống, các đồng minh và cộng đồng quốc tế để kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình và cơ chế theo UNCLOS để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, trong đó đã bao gồm tôn trọng phán quyết trọng tài.

Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 30-7 đã đăng bài xã luận hô hào “báo thù” sau khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cùng những người đồng cấp Mỹ và Nhật ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Bài xã luận viết sặc mùi hiếu chiến: “Nếu Úc vào vùng biển Nam Hải (cách gọi biển Đông của Trung Quốc), đó sẽ là mục tiêu lý tưởng cho Trung Quốc cảnh báo và bắn”. Bài xã luận công khai chê bai: “Ngay cả Úc cũng không phải là con hổ giấy mà nói đúng hơn chỉ là con mèo giấy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm