Ngày sóng gió của Nga tại chiến trường Syria

Nga đã có một trong những ngày tồi tệ nhất trong suốt gần ba năm can dự chiến trường Syria khi phải hứng chịu mất mát lớn về nhân mạng và bị sút giảm lớn về uy tín ngoại giao.

Mất 39 quân nhân vì máy bay rơi

Đã có 39 quân nhân Nga thiệt mạng vào ngày 6-3 khi một máy bay vận tải quân sự Antonov An-26 rơi trong lúc hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeimim ở Syria.

Nga đã tăng cường an ninh ở căn cứ Khmeimim và cả ở căn cứ hải quân Tartus từ đầu tháng 1-2018, sau một vụ tấn công “du kích” bằng máy bay không người lái. Hãng tin Interfax cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã nhanh chóng bác bỏ khả năng máy bay bị khủng bố, khoanh vùng nguyên nhân là do trục trặc kỹ thuật. Đã có đến hơn 140 vụ tai nạn máy bay An-26 trong hơn 30 năm qua làm hơn 1.300 người chết, theo dữ liệu của Mạng lưới an toàn hàng không.

Chỉ một ngày sau, các lực lượng thân chính phủ Syria do Nga bảo trợ đã xảy ra giao tranh với lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ bảo trợ ở tỉnh Deir al-Zour. Theo New York Times, phía Nga có thể mất từ ít nhất năm tới sáu mươi quân tình nguyện trong vụ này. Chính phủ Nga ban đầu bác bỏ Nga có thương vong, sau đó nói rằng chỉ năm quân nhân thiệt mạng. Phía Nga cuối cùng thông báo đã có hơn 10 quân nhân Nga bị thương và được sơ tán về Nga chữa trị.

Ông Paulo Sergio Pinheiro, Chủ tịch Ủy ban Điều tra về Syria của LHQ, ngày 6-3 công bố báo cáo đề cập khả năng Nga có vi phạm tội ác chiến tranh. Ảnh: EPA

Bị cáo buộc “tội ác chiến tranh”

Không chỉ mất mát lớn về nhân mạng, uy tín ngoại giao của Nga ngày 7-3 tiếp tục đối diện sóng gió sau khi Ủy ban Điều tra về Syria của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố báo cáo tổng quan tám tháng xung đột vừa qua ở Syria. Trong các báo cáo trước, các nhà điều tra LHQ chỉ dừng lại ở kết luận Nga có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức mạnh của quân chính phủ Syria, thay đổi cục diện nội chiến Syria. Báo cáo này lần đầu tiên đề cập chuyện Nga có thể đã phạm “tội ác chiến tranh”.

Theo các nhà điều tra LHQ, cáo buộc trên liên quan đến vụ việc máy bay Nga thực hiện hàng loạt vụ không kích xuống thị trấn Al Atarib, phía Tây Aleppo vào ngày 13-11-2017. Vụ không kích làm 84 người tử vong và hơn 150 người bị thương. Đây là một trong các vùng giảm căng thẳng do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất năm 2017. Các nhà điều tra không kết luận Nga cố nhắm vào mục tiêu là dân thường nhưng nhận định việc thả bom bừa bãi xuống khu vực dân cư đông người vẫn có thể bị xem là tội ác chiến tranh.

Tờ The Guardian dẫn một số nguồn tin LHQ cho biết Nga có thể đã sử dụng loại bom không được dẫn đường, thiếu tính chính xác trong các trận không kích ở Syria nhằm chối bỏ trách nhiệm gây thương vong dân thường. Theo các nguồn tin LHQ, điều này sẽ gây khó khăn cho điều tra tội ác chiến tranh của LHQ do quân chính phủ Syria lại là bên thường sử dụng loại bom lạc hậu này. Phái đoàn ngoại giao Nga tại LHQ hiện chưa bình luận về báo cáo của Ủy ban Điều tra về Syria.

46 quân nhân Nga đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp vào chiến sự nước này tháng 9-2015, theo thống kê chính thức của Nga. Con số này chưa tính đến các tình nguyện quân là công dân Nga. 

Đề nghị ở Đông Ghouta bị bác

Cũng trong ngày 6-3, đề nghị của Nga về mở đường thoát cho phe nổi dậy ở Đông Ghouta đã chính thức bị từ chối. Trước đó, Nga đã đề nghị cung cấp xe và bảo vệ các tay súng nổi dậy mang theo vũ khí cá nhân đưa thân nhân rời Đông Ghouta an toàn. Tình hình nguy hiểm ở Đông Ghouta cũng buộc Hội đồng Bảo an (HĐBA) tiếp tục họp khẩn trong ngày 7-3 tại Mỹ (giờ địa phương) về nguyên nhân lệnh ngừng bắn thất bại.

Hiện quân chính phủ Syria đã kiểm soát 40% lãnh thổ Đông Ghouta và vẫn tiếp tục không kích, đẩy mạnh đà tấn công. Trong hai ngày 5 và 6-3 đã có thêm hơn 100 người thiệt mạng. Với hơn 80 người chết, ngày 5-3 được xem là ngày đẫm máu nhất tại khu vực kể từ sau nghị quyết 30 ngày ngừng bắn ở Syria. Tính đến nay đã có 805 dân thường, trong đó có ít nhất 178 trẻ em thiệt mạng kể từ khi quân chính phủ Syria ngày 18-2 bắt đầu đợt không kích và tiến quân vào Đông Ghouta.

Khả năng Mỹ can thiệp quân sự

Tờ The Washington Post ngày 6-3 dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết chính phủ Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một đợt tấn công quân sự mới vào Syria, đáp trả các nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra gần đây ở Đông Ghouta. Mỹ cho rằng chính phủ Syria là thủ phạm.

Tổng thống Donald Trump đã bàn về việc này trong cuộc họp Nhà Trắng tuần trước có sự tham gia của Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Dana White phủ nhận Bộ trưởng Mattis có tham gia bàn bạc khả năng đánh Syria, thậm chí nói “cuộc bàn bạc không diễn ra”. Trong khi đó nguồn tin quan chức của Washington Post cho biết Tổng thống Trump chưa quyết bất cứ hành động quân sự nào và các quan chức quyết định tiếp tục theo dõi tình hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm