Ngày tổng thống đầu tiên của ông Joe Biden thế nào?

Ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ sau lễ nhậm chức ngày 20-1. Lên làm tổng thống trong thời điểm nước Mỹ đầy khó khăn vì đại dịch và chia rẽ nghiêm trọng về chính trị là một thách thức vô cùng lớn với ông Biden. Tân tổng thống sẽ phải bắt tay ngay xử lý công việc bộn bề của nước Mỹ sau nhiệm kỳ bốn năm đầy tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Phá bỏ di sản ông Trump ngay ngày đầu

Ưu tiên hành động của ông Biden ngay trong ngày tổng thống đầu tiên là xử lý đại dịch COVID-19, theo báo USA Today. Cụ thể, hai việc đầu ông sẽ làm là xúc tiến kế hoạch phân phối vaccine hiệu quả và ra lệnh buộc đeo khẩu trang nơi công quyền, trên máy bay, trên xe khi di chuyển các bang.

Ông Biden cũng sẽ trình Quốc hội đề xuất gói giải cứu 1.900 tỉ USD để hỗ trợ dân, chống COVID-19, khôi phục kinh tế. Thuế doanh nghiệp sẽ được tăng từ 21% (do chính phủ ông Trump thiết lập năm 2017) lên 28%. Thuế với người thu nhập ít hơn 400.000 USD/năm sẽ không tăng, từ mức đó trở lên sẽ phải chịu khấu trừ thuế bảng lương cho an ninh xã hội ở mức 12,4%.

Ông Biden cũng sẽ trình Quốc hội các dự luật mở đường cho 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp có cơ hội nhập tịch, tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc chương trình Bảo vệ trẻ em vào Mỹ không có giấy tờ (DACA) thành thường trú nhân. Ông Biden cũng sẽ ra sắc lệnh hành pháp lập một lực lượng đặc nhiệm liên bang giúp trẻ em và cha mẹ nhập cư trái phép bị chia tách ở biên giới gặp lại nhau.

 

Trao đổi với cánh báo chí, ông Biden nhận xét chờ đón ông là bốn cuộc khủng hoảng: Đại dịch COVID-19, kinh tế kiệt quệ, khủng hoảng sắc tộc và các đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Ông Biden sẽ thu hồi lệnh cấm dân các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ mà ông Trump đã ban hành. Chính phủ ông Biden cũng có kế hoạch trong 100 ngày ông sẽ dừng được việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, tâm huyết của ông Trump.

Xử lý khủng hoảng sắc tộc và cải cách hoạt động cảnh sát là những mục tiêu hành động của ông Biden, sau vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ đến chết khi trấn áp vào năm ngoái, dẫn tới biểu tình lớn trên cả nước Mỹ. Trong 100 ngày đầu, ông Biden sẽ nỗ lực lập một ủy ban giám sát cảnh sát quốc gia.

Một quyết định nữa trong ngày tổng thống đầu tiên của ông Biden là đưa Mỹ quay trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tổ chức đa phương ông Trump rút năm 2019. Mỹ cũng sẽ tham gia lại Hiệp định khí hậu Paris mà ông Trump rút năm 2017 và khả năng Mỹ sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trong 100 ngày của ông Biden.

Nắm Nhà Trắng và lưỡng viện, thế vẫn khó

Ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ với thuận lợi bước đầu: Đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội. Tuy thế, thế đa số của đảng Dân chủ ở Thượng viện rất mong manh: 50/50 với lợi thế là vị trí chủ tịch thuộc về Phó Tổng thống Kamala Harris. Với thực tế này, con đường phía trước của ông Biden với chương trình làm việc đầy tham vọng sẽ vẫn phức tạp, theo đài ABC News. Cụ thể, ông Biden sẽ làm được gì trong thời gian tới?

Về làm được, trước hết khả năng các đề cử nội các và thẩm phán sẽ được thông qua một khi Thượng viện mới nhậm chức và các vị trí chủ tịch các ủy ban sẽ thuộc về đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ cũng có cơ hội thông qua luật ngân sách với thế đa số. Chính phủ ông Biden có thể hủy bỏ một số chính sách thuế của ông Trump, hay chi tiêu rộng tay hơn cho các chương trình bảo hiểm y tế liên bang. Một thuận lợi nữa, lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer sẽ là người quyết định về thời điểm tranh luận và bỏ phiếu về các dự luật (ví dụ như cải cách cảnh sát, nhập cư, biến đổi khí hậu…).

 

Châu Âu nghĩ gì?

Phần lớn dân châu Âu nhận xét hệ thống chính trị Mỹ đã sụp đổ, ông Biden sẽ không thể ngăn đà sụt giảm vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới trong một thập niên nữa. Đây là kết quả khảo sát của tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR - chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh) thực hiện với 15.000 người ở 11 nước châu Âu vào thời điểm cuối năm 2020, theo báo Guardian.

“Người châu Âu thích ông Biden nhưng họ không nghĩ Mỹ sẽ quay lại là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Khi ông George W. Bush làm tổng thống, họ (người châu Âu) băn khoăn về việc Mỹ sẽ sử dụng quyền lực như thế nào. Với việc ông Biden vào Nhà Trắng, họ lại băn khoăn liệu Mỹ có còn quyền lực” - Guardian dẫn lời Giám đốc ECFR Mark Leonard.

Sau nhiệm kỳ của ông Trump, sự ủng hộ của dân châu Âu dành cho Mỹ với các nguy cơ xung đột quốc tế tiềm tàng giảm nhiều. Tại các nước, ít nhất nửa số người được hỏi cho rằng chính phủ họ nên giữ thái độ trung lập trong bất kỳ xung đột nào giữa Mỹ với Trung Quốc. Trong khi đó chưa đầy 40% dân mỗi nước nói họ chọn ủng hộ Mỹ trước Nga.

Nhiều người châu Âu nói không thể tin tưởng ở Mỹ sau những gì ông Trump đã làm bốn năm qua. Hơn 32% tổng số người được hỏi (riêng ở Đức là 53%) cho rằng người Mỹ không còn đáng tin khi đã bầu ông Trump làm tổng thống.

2/3 số người được hỏi cho rằng châu Âu không thể trông chờ Mỹ bảo vệ mình và cần phát triển năng lực quốc phòng của mình. Đa số người được hỏi đánh giá hệ thống chính trị của nước mình tích cực hơn nhiều so với Mỹ, đồng thời xem Đức là đối tác quan trọng nhất chứ không còn là Mỹ.

Bên cạnh đó sẽ có những điều chính phủ ông Biden có thể gặp khó khăn hay thậm chí không vượt qua được. Đảng Cộng hòa có thể không chặn được việc thông qua dự luật nhưng hoàn toàn có thể cố ý làm chậm tiến trình bằng cách kéo dài thời gian tranh luận.

Ông Biden cũng đừng mong đợi nhiều ở sự hợp tác lưỡng đảng, đặc biệt khi đảng Cộng hòa thua ở hai nhánh hành pháp và lập pháp và đang theo đuổi mục tiêu làm lại vào kỳ bầu cử giữa kỳ 2022 và kỳ bầu cử tổng thống 2024. Với mục tiêu này thì đảng Cộng hòa phải làm giảm uy tín của ông Biden và đảng Dân chủ càng nhiều càng tốt. •

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm