Ngoại giao bóng rổ ở CHDCND Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên xem Mỹ là “kẻ thù không đội trời chung” như cách gọi trong tuyên bố ngày 24-1 của Ủy ban Quốc phòng quốc gia CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, như kênh truyền hình CNN (Mỹ) ngày 2-3 (giờ địa phương) nhận định, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang nối tiếp truyền thống lạ lùng của phụ thân Kim Jong-il. Đó là căm thù Mỹ nhưng vẫn say mê nền văn hóa Mỹ.

Bằng chứng là Bình Nhưỡng vẫn hoan nghênh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các ngôi sao thể thao đến từ đất nước của Mỹ.

Ngày 27-2 tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vốn là người hâm mộ bóng rổ đã đón tiếp trọng thị ba thành viên đội bóng rổ nghệ thuật Mỹ Harlem Globetrotters và cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman.

Ngoại giao bóng rổ ở CHDCND Triều Tiên ảnh 1

Ngày 28-2, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng ngôi sao Dennis Rodman xem đội bóng rổ nghệ thuật Mỹ Harlem Globetrotters thi đấu giao hữu với đội của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: REUTERS/KCNA

Đích thân ông Kim Jong-un ra tận sân bay đón ngôi sao Dennis Rodman. Hôm sau, ông cùng ngôi sao Dennis Rodman xem trận bóng rổ giữa đội bóng rổ nghệ thuật Harlem Globetrotters và đội Dream Team của CHDCND Triều Tiên (kết quả hòa 110-110).

Trong cuộc trò chuyện với ông Kim jong-un, ngôi sao Dennis Rodman đã gọi ông Kim Jong-un là “người bạn suốt đời”. Thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên) dẫn lời ông Kim Jong-un nói ông hy vọng các chuyến giao lưu thể thao như vậy sẽ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Trước đó, vào đầu tháng 1, CHDCND Triều Tiên đã cho phép Chủ tịch hãng công nghệ Google Eric Schmidt đến thăm trong bốn ngày. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không có cuộc gặp nào với Chủ tịch Eric Schmidt. Tuy nhiên, trong chuyến thăm, ông Eric Schmidt đã kêu gọi các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên phổ biến dịch vụ Internet cho người dân mặc dù đây là vấn đề mà CHDCND Triều Tiên không muốn đề cập đến.

Chuyến thăm dường như đã có tác dụng. Ngày 22-2, CHDCND Triều Tiên thông báo cho phép du khách nước ngoài đến CHDCND Triều Tiên sử dụng dịch vụ Internet trên điện thoại di động.

CNN cho biết vẫn chưa rõ liệu các chuyến đi nêu trên có phải là một phần trong một kế hoạch có tổ chức của Mỹ nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên quay lại bàn đàm phán ngoại giao bằng cách lôi kéo các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên bằng văn hóa Mỹ.

Mỹ không phải là nước duy nhất có mối quan hệ vừa yêu-vừa ghét với CHDCND Triều Tiên.

Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, lúc Triều Tiên chưa bị chia cắt còn là thuộc địa của Nhật, nhiều người dân Triều Tiên bị cưỡng ép sang Nhật. Gần đây, CHDCND Triều Tiên cũng thừa nhận đã bắt cóc công dân Nhật ở Nhật trong những năm 1970 và 1980.

Mặc dù còn nhiều vấn đề lịch sử tồn tại như vậy, Nhật vẫn duy trì nhiều trường học ở CHDCND Triều Tiên với ngân sách hoạt động đến từ chính phủ CHDCND Triều Tiên. Chân dung các nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, Kim Jong-il được treo trang trọng trong lớp học. Sinh viên, chủ yếu là người Nhật, đến đây theo học văn hóa và ngôn ngữ Triều Tiên.

Ngày 2-2, CHDCND Triều Tiên đã công bố một đoạn băng hình tuyên truyền chiếu cảnh một người đàn ông CHDCND Triều Tiên trên tàu con thoi bay lên vũ trụ mơ về hình ảnh một thành phố của Mỹ chìm trong biển lửa sau khi bị CHDCND Triều Tiên tấn công bằng tên lửa. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình Mỹ CNN, điều khó hiểu là nhạc nền của đoạn băng lại là bài hát “We are the world” (Chúng ta là thế giới) do hai ca sĩ nổi tiếng Mỹ Michael Jackson và Lionel Richie sáng tác năm 1985 nhằm kêu gọi hòa bình cho thế giới.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm