Ngoại trưởng Nga: Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ

Triều Tiên sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson khi hai người gặp nhau tại Vienna (Áo) ngày 7-12.

“Chúng tôi biết điều Triều Tiên muốn trên hết là đối thoại với Mỹ về sự bảo đảm của Mỹ cho an ninh của mình. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ điều đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng này. Các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi, kể cả ông Rex Tillerson cũng đã nghe thông điệp này” - Interfax dẫn lời ông Lavrov nói trong cuộc họp báo tại Vienna.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau tại Vienna (Áo) ngày 7-12. Ảnh: TASS
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau tại Vienna (Áo) ngày 7-12. Ảnh: TASS

Chưa rõ phản ứng từ phía ông Tillerson, tuy nhiên quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ là nếu muốn đối thoại, Triều Tiên phải thể hiện sự nghiêm túc của mình về việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Ngày 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert vẫn khẳng định đối thoại trực tiếp với Triều Tiên “sẽ không được cân nhắc đến chừng nào họ sẵn lòng giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Ông Lavrov chuyển thông điệp đến Mỹ cùng ngày diễn ra cuộc gặp giữa Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách chính trị Jeffrey Feltman (người Mỹ) với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho ở Bình Nhưỡng. Ông Feltman là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, là nhân vật cấp cao đầu tiên của Mỹ đến Triều Tiên trong sáu năm qua. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Feltman không mang bất kỳ thông điệp gì của Mỹ đến Triều Tiên.

Căng thẳng Triều Tiên lên đến mức cao mới vào ngày 29-11 vừa qua, khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ mới Hwasong-15, có khả năng bắn tới Mỹ. Căng thẳng cao độ và ngôn từ đe dọa gia tăng lo ngại trong cộng đồng thế giới về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên. Ngày 6-12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã khẳng định chiến tranh với Mỹ là điều không thể tránh khỏi, “câu hỏi lúc này là khi nào nó sẽ xảy ra”.

Tên lửa ICBM Hwasong-15 được Triều Tiên phóng ngày 29-11. Ảnh: KCNA
Tên lửa ICBM Hwasong-15 được Triều Tiên phóng ngày 29-11. Ảnh: KCNA

Triều Tiên luôn cho rằng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là sự khiêu khích chiến tranh. Về phần mình, Mỹ luôn bác bỏ giải pháp mình và Hàn Quốc ngưng tập trận, đổi lại Triều Tiên sẽ ngưng thử tên lửa, hạt nhân mà Nga và Trung Quốc đề xuất.

Gần đây, nhiều quan chức Triều Tiên nói họ đặc biệt lo ngại đe dọa từ phía Mỹ sẽ tấn công “xử trảm” bất ngờ, nhằm tiêu diệt các lãnh đạo Triều Tiên và làm tê liệt hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự của Triều Tiên trước khi nước này có thể phóng tên lửa.

Trước thông điệp này của Nga, Triều Tiên luôn bác bỏ khả năng giải trừ hạt nhân, muốn Mỹ công nhận mình là quốc gia hạt nhân và từ bỏ chính sách thù địch với mình, thôi trừng phạt và tập trận ở bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong năm nay hai bên đã có một số cuộc liên lạc không chính thức, trong đó có cuộc gặp với đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên Joseph Yun. Các cuộc liên lạc này đã bị Triều Tiên cắt sau tuyên bố đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ hồi tháng 9. Dù thế gần đây có dấu hiệu Triều Tiên quan tâm trở lại việc khôi phục kênh đối thoại này. Khả năng này được một đại diện Triều Tiên nêu ra sau một cuộc gặp ở Stockholm giữa các chuyên gia phương Tây và các quan chức Triều Tiên cuối tháng 9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm