Người Việt ở Mỹ và quy chế quốc tịch

Anh tâm sự: “Tôi về Việt Nam lấy vợ, sinh con cũng với mục đích cho con mình có nguồn gốc quốc tịch Việt Nam nhưng cũng đồng thời được hưởng quyền lợi trở thành công dân Mỹ theo quốc tịch của tôi. Hơn nữa, sinh con tại Việt Nam còn có gia đình chăm sóc, như vậy đỡ cực hơn khi vợ tôi sinh con tại Mỹ”.

Nước Mỹ không phải là đất nước có dân tộc thuần chủng. Do đó, người ta còn gọi Mỹ là quốc gia di dân. Vì vậy, quy chế về quốc tịch rất được Bộ Tư pháp Mỹ và người dân sinh sống tại Mỹ quan tâm. Hiện nay, người Việt ở Mỹ cũng rất quan tâm đến việc Bộ Tư pháp Việt Nam chuẩn bị dự luật sửa đổi quốc tịch cho kiều bào ở nước ngoài.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 1,7 triệu người Việt đang sinh sống tại Mỹ. Trong số này có gần 50% đã nhập quốc tịch và chừng 30% thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Mỹ. Như vậy, tổng cộng số người Việt mang quốc tịch Mỹ lên đến 80%. Đây cũng là cộng đồng có tỷ lệ quốc tịch Mỹ cao nhất trong các sắc dân trên toàn nước Mỹ.

Đối với người Việt, việc được nhập quốc tịch Mỹ là cần thiết để được bảo vệ về mặt luật pháp, thụ hưởng trợ cấp xã hội hoặc bảo lãnh thân nhân tiếp tục di dân sang Mỹ sinh sống.

Dù vậy, hầu hết người Việt nhập quốc tịch Mỹ đều vẫn còn giữ quốc tịch gốc Việt Nam. Đó là tình cảm gắn bó với quê hương, là tinh thần dân tộc. Họ nghĩ người Việt sinh ra ở Việt Nam tất nhiên phải mang quốc tịch Việt Nam cho dù vì lý do nào đó, hiện nay họ phải mang quốc tịch của một nước khác. Họ cũng muốn với quốc tịch gốc Việt Nam, kiều bào sẽ được hưởng quyền lợi như công dân trong nước.

Hai nguyên tắc quy định quốc tịch (*)

Thông thường các nước căn cứ vào hai nguyên tắc cơ bản để quy định quốc tịch: Một là nơi sinh quán và hai là huyết thống.

Nước Mỹ quy định quốc tịch theo nguyên tắc sinh quán, tức trẻ em sinh ra tại Mỹ đương nhiên mang quốc tịch Mỹ (theo Điều 5 chương hai của hiến pháp). Tuy nhiên trong một số trường hợp, nước Mỹ cũng áp dụng nguyên tắc huyết thống để xác định quốc tịch trẻ sinh tại nước ngoài trong trường hợp đứa trẻ có cha hoặc mẹ mang quốc tịch Mỹ.

Nguyên tắc huyết thống cũng được linh động áp dụng cho cả trường hợp người nhập quốc tịch không phải sinh tại Mỹ. Điều này có nghĩa là trẻ sinh ra ở nước nào cũng được nhập tịch theo người cha hoặc người mẹ đã nhập tịch Mỹ. Do đó, nếu một người hội đủ cả hai nguyên tắc trên, theo lý thuyết người đó có thể mang hai quốc tịch.

Cũng vì dựa vào nguyên tắc sinh quán mà xác định quốc tịch, đã có một số phụ nữ người Việt vào Mỹ theo diện du lịch trong lúc mang thai và đã sinh con tại Mỹ. Đứa trẻ mang giấy khai sinh Mỹ, đương nhiên mang quốc tịch Mỹ và theo huyết thống thì đứa trẻ cũng mang quốc tịch gốc theo cha mẹ.

Trong trường hợp song tịch này, người mẹ có điều kiện ở lại Mỹ với thời gian dài hơn theo luật định để chăm sóc con nhỏ, sau đó chờ đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi để có thể bảo lãnh cho cha mẹ cư ngụ tại Mỹ theo Luật Di dân.

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ sinh ra tại Mỹ là con của các viên chức ngoại giao thì đứa trẻ không được mang quốc tịch Mỹ. Điều này không thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ.

Bỏ quốc tịch

Việc mang song tịch là một vấn đề phức tạp cho luật pháp giữa nước này với nước khác. Và việc tranh chấp này thường được giải quyết trên các văn bản hiệp định giữa hai nước. Trường hợp xảy ra tranh chấp mà không có hiệp định để đối chiếu, luật pháp nơi trú quán của đương sự sẽ được áp dụng để quy định quốc tịch.

Như trên đã nói, Mỹ được xem là một quốc gia di dân và không thuần chủng, do đó có sự khác nhau giữa công dân sinh tại Mỹ và người nhập tịch Mỹ. Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản giống nhau nhưng người nhập tịch dễ bị mất quốc tịch cũng như một số quyền hạn được hiến pháp quy định so với người sinh ra tại Mỹ.

Chỉ có những người sinh tại Mỹ mới được ứng cử tổng thống và phó tổng thống. Người nhập tịch được bảy năm mới được ứng cử vào Hạ viện và đủ chín năm mới được ứng cử vào Thượng viện.

Theo nguyên tắc huyết thống, Bộ Tư pháp Mỹ không yêu cầu người được nhập tịch phải từ bỏ quốc tịch gốc. Người nhập tịch cũng có thể tự động từ bỏ quốc tịch Mỹ dễ dàng nếu thấy không cần thiết.

Luật pháp Mỹ cũng có quyền tước bỏ quốc tịch hoặc hủy bỏ quyền nhập tịch khi đương sự vi phạm luật pháp nào đó. Thật ra việc tước bỏ quốc tịch là vi phạm Tu chính án thứ 14 của hiến pháp vì tu chính án đã nêu: Quốc tịch của một công dân không thể tước bỏ trước tòa án. Tuy vậy, hiện nay luật về di trú và luật về quốc tịch đã có nhiều thay đổi tùy theo tình hình thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội trong từng giai đoạn.

TỰU NGÔ (Cộng tác viên từ Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm