Nguy cơ đóng cửa chính phủ tròn năm ông Trump nhậm chức

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump và Quốc hội chạy đua với thời gian để thông qua một luật ngân sách ngắn hạn giúp ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ. Dự luật trước đó đã được Hạ viện thông qua. Nếu muốn qua cửa Thượng viện, dự luật phải cần ít nhất 10 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ.

Tuy nhiên, dự luật đã không qua được phiên bỏ phiếu của Thượng viện tối 19-1. Phần lớn thượng nghị sĩ Dân chủ nói không ủng hộ dự luật trừ khi có điều khoản bảo vệ hàng trăm ngàn người nhập cư trái phép. Phe Cộng hòa phản đối điều này.

Lãnh đạo đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tiếp tục thương lượng ngay tại trụ sở quốc hội sau phiên bỏ phiếu. Kết quả chính thức sẽ có vào ngày 20-1 (giờ Mỹ).

Các nhà báo tập trung tại Nhà Trắng đêm 19-1, chờ nghe thông tin về chuyện đóng cửa chính phủ. Ảnh: REUTERS

Các nhà báo tập trung tại Nhà Trắng đêm 19-1, chờ nghe thông tin về chuyện đóng cửa chính phủ. Ảnh: REUTERS

Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney nhận định dự luật có thể sẽ chưa được thống nhất đúng thời hạn nhưng nhiều khả năng sẽ được thống nhất trong 24 giờ tới. Nói cách khác chính phủ sẽ đóng cửa từ ngày 20-1, đúng ngày kỷ niệm một năm ông Trump nhậm chức chủ nhân Nhà Trắng nhưng có thể sẽ được mở lại vào cuối tuần này.

Một khi chính phủ phải đóng cửa, các công chức làm trong các cơ quan ít quan trọng sẽ phải nghỉ phép, hoặc phải nghỉ không lương tạm thời. Công chức làm trong các cơ quan cần thiết phải duy trì mở cửa – như phụ trách an toàn công cộng, an ninh quốc gia – sẽ tiếp tục làm việc.

Lần đóng cửa chính phủ gần nhất ở Mỹ là vào tháng 10-2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama, kéo dài 16 ngày, hơn 800.000 công chức phải nghỉ phép.

Để biết điều gì sẽ xảy ra một khi chính phủ phải đóng cửa, hãy cùng tham khảo thông tin cập nhật từ Reuters.

Quân đội: Bộ Quốc phòng ngày 19-1 nói chính phủ đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan hay chiến dịch đánh IS ở Iraq và Syria. Toàn bộ 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn duy trì làm việc. Nhân sự quốc phòng ở các bộ phận không cần thiết sẽ phải nghỉ phép. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lo ngại một khi thế bế tắc tài chính nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các chiến dịch tình báo, huấn luyện, tàu hải quân không được bảo dưỡng và máy bay sẽ phải dừng hoạt động.

Bộ trưởng Mattis cho biết cuối tuần này ông vẫn sẽ lên đường công du Indonesia và Việt Nam, kể cả chính phủ có đóng cửa, vì chuyến đi cần thiết cho an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại của Mỹ.

Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney (đeo kính) trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng tối 19-1. Ảnh: REUTERS

Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney (đeo kính) trao đổi với báo chí tại Nhà Trắng tối 19-1. Ảnh: REUTERS

Tư pháp: Đặc thù công việc nhân sự Bộ Tư pháp đều thuộc hàng quan trọng. Trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Tư pháp vẫn duy trì 95.000/115.000 nhân sự làm việc.

Tài chính: Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái sẽ tạm thời vẫn duy trì hoạt động khi chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài nhiều tuần thì sẽ có nhân sự phải nghỉ phép. Trong khi đó, 95% nhân sự Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai sẽ phải nghỉ phép ngay lập tức một khi chính phủ đóng cửa.

Nhà Trắng: Hơn 1.000 trong 1.715 nhân viên sẽ phải nghỉ phép, điều này đã được chính phủ Trump xác nhận ngày 19-1. Tổng thống sẽ được cung cấp đủ tiền cho các hoạt động phù hợp hiến pháp của mình. Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cấp cao ngày 19-1 cho biết Tổng thống Trump sẽ vẫn đến Davos (Thụy Sĩ) tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần tới. 

Thuế: Năm 2013, Sở Thuế vụ phải cho nghỉ phép 90% nhân viên. Lần này khả năng cũng sẽ như vậy.

Tòa án: Các tòa án liên bang, trong đó có Tòa án Tối cao sẽ được duy trì hoạt động trong khoảng 3 tuần dù chính phủ có đóng cửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm