Nguy hiểm, nhiều người Indonesia vẫn nghĩ COVID-19 giống cảm thường

Trong nhiều tuần qua, Indonesia, mỗi ngày quốc gia với dân số hơn 270 triệu người này ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm COVID-19 mới và hàng nghìn ca tử vong trước sự tàn phá của biến thể Delta.

Khắp các trang mạng xã hội tràn ngập các bài đăng từ những người dùng đã mất người thân vì COVID-19. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, trong khi nhiều người cố gắng tìm kiếm địa điểm chôn cất cho người thân.

Một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng số ca nhiễm mới tại quốc gia này chính là sự lan tràn của những thông tin sai lệch và sự xem thường dịch bệnh của người dân, theo đài CNN.

Người dân Indonesia khóc thương trước cái chết của người thân mình do nhiễm COVID-19 tại nghĩa trang công cộng Rorotan ở Jakarta. Ảnh: CNN

Thông tin sai lệch tràn lan trên các trang mạng xã hội

Trong nhiều tháng qua, những thông tin sai lệch về các phương pháp điều trị COVID-19 lan tràn khắp trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp.

Sự tranh cãi về mức độ an toàn của vaccine cũng được đem ra bàn tán trên các ứng dụng mạng xã hội, khiến một số người không muốn tiêm vì sợ có thể gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong.

Một trong những thông tin sai lệch nghiêm trọng khác được nhiều người dân ở Indonesia truyền tai nhau chính là việc COVID-19 cũng chỉ giống như một căn bệnh cảm thông thường, ngay cả khi số người chết vẫn  tăng mỗi ngày xung quanh họ.

Một nhân viên y tế thay bình oxy trong một căn lều dựng tạm bên ngoài một bệnh viện công để xử lý sự cố quá tải khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao vào ngày 24-6 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: CNN

Cha mẹ xem thường dịch bệnh

Vài tuần trước, cô Karunia Sekar Kinanti, 32 tuổi, nhận thấy cậu con trai hai tháng tuổi của mình là Zhafran bị sốt, nhưng cô cho rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường.

Trước đó, mẹ của cô cũng xuất hiện triệu chứng cảm cúm và ho, nhưng Kinanti không nghĩ đó là COVID-19 vì khứu giác của mẹ cô vẫn hoạt động tốt. 

"Các triệu chứng mà mẹ tôi gặp phải dường như không phải là dấu hiệu nhiễm COVID-19, vì vậy tôi rất bình tĩnh để đối phó. Sau đó, Zhafran, tôi và một đứa con khác của tôi cũng bị bệnh” - Kinanti kể lại.

Hai tuần sau đó, sức khỏe của Zhafran trở nên yếu hơn và cậu bé cũng gặp khó khăn trong việc hô hấp. Vì vậy, Kinanti đưa con mình đến bệnh viện để khám và nhận được kết quả cho thấy con cô đã dương tính với virus SARS-CoV-2 và hiện đã bị tổn thương phổi bên phải.

Karunia Sekar Kinanti đang được  điều trị COVID-19 trong bệnh viện cùng với cậu con trai hai tháng tuổi Zhafran. Ảnh: CNN

Trong lúc đó, vào ngày 5-7, mẹ của Kinanti qua đời. Kinanti vẫn không biết liệu mẹ cô có bị COVID-19 hay không vì bà chưa được xét nghiệm. Cô đã không thể đến dự đám tang của bà vì cô đang ở bệnh viện với đứa con trai nhỏ của mình.

Đối với Kinanti và con của cô ấy, tình hình đang được cải thiện. Bác sĩ chữa trị cho hai mẹ con cũng bày tỏ sự lạc quan hơn về khả năng sống sót của cậu bé, nhưng cảnh báo rằng Zhafran có thể bị di chứng suy giảm dung tích phổi.

Kinanti thừa nhận cô đã đánh giá thấp đại dịch COVID-19 và nghĩ rằng không thể có chuyện dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến con mình. Cô đau xót: "Tôi đã đến bệnh viện muộn và tôi thực sự hối hận".

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Indonesia. Ảnh: REUTERS

Nhưng sự may mắn như vậy lại không đến với gia đình của Suharyanto, cha của ba đứa trẻ khác. Suharyanto chia sẻ anh đang sống với cảm giác tội lỗi khi không biết liệu anh có đưa virus SARS-CoV-2 vào nhà và khiến vợ của mình cùng đứa trẻ mà cô đang mang thai qua đời hay không. 

Suharyanto trước đó làm nghề lái xe ôm ở thành phố Semarang và đã tiếp xúc nhiều người. Đáng lẽ người có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất là Suharyanto, nhưng chính vợ của anh, người luôn ở nhà để chăm sóc con, mới là người nhiễm và qua đời một khoảng thời gian sau đó.

"Các con tôi vẫn rất bình thường. Nhưng tôi, tôi vẫn khóc một mình. Tôi hối hận về mọi thứ, tôi không bao giờ tưởng tượng rằng điều này có thể xảy ra. Tôi vẫn không thể tin rằng cô ấy đã ra đi nhanh như vậy” - Suharyanto nói.

Trước những gì mà bản thân anh đã trải qua, Suharyanto muốn mọi người hiểu rằng COVID-19 không phải là một thuyết âm mưu mà là một sự thật tồn tại một cách đau đớn, CNN đưa tin.

Aris Suharyanto đã mất cả vợ và đứa con sắp sinh của mình vì đại dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia Aman B. Pulungan cho biết các bậc cha mẹ thường cho rằng con mình không dễ mắc COVID-19, một phần vì nhiều người dân ở Indonesia không biết rằng trẻ em có thể bị nhiễm bệnh.

"Các gia đình hầu như không tìm cách để bảo vệ con mình khỏi virus, và ngay cả khi trẻ bị nhiễm bệnh, cha mẹ chúng thường nghĩ đó là chứng cảm lạnh thông thường" - ông Pulugan nhận xét.

"Người dân Indonesia đã không thể bảo vệ con cái của mình. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng" - Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Indonesia nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm