Nhà thờ Đức Bà Paris bị thiêu rụi: Chờ đợi hồi sinh

Chỉ hơn một giờ đồng hồ, ngọn lửa chiều tối 15-4 (giờ Pháp) bao trùm lên nhà thờ Đức Bà đã thiêu rụi tháp, mái và gây hư hại phần lớn kiến trúc bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ cho xây dựng lại tòa kiến trúc nhưng chắc chắn nguyên thể của nó không thể được phục chế toàn vẹn.

Di sản văn hóa vô giá

Nhà văn, nhà sử học người Pháp Camille Pascal ngậm ngùi khi chứng kiến ngọn lửa tàn nhẫn đã phá hủy một di sản vô giá của toàn nhân loại. “Nhà thờ Đức Bà luôn dõi theo Paris trong hơn 800 năm qua. Cùng với tiếng chuông Emmanuel, nhà thờ tham gia vào các sự kiện thế giới, cả niềm vui và nỗi bất hạnh”.

Đây là nhà thờ chính tòa của Pháp với lịch sử lâu đời và phong phú nhất. Với những viên đá đầu tiên được đặt vào thế kỷ 12 cùng sự hiện diện của Giáo hoàng Alexander III, 200 năm sau nhà thờ đã trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử không những của Pháp mà của toàn châu Âu.

Nhà thờ nổi tiếng với hệ thống cửa sổ bằng kiếng quy mô lớn, cùng nhiều chi tiết kiến trúc đặc biệt khác. Hệ thống mắt cáo bằng gỗ bên trong nhà thờ và khung xà gỗ, chủ yếu là gỗ sồi có tuổi thọ phải 300-400 tuổi, là những điểm độc đáo tạo nên vẻ đẹp của tòa kiến trúc thời Trung cổ Gothic này.

Nhà thờ đã trở thành bất tử trong văn hóa đại chúng nhờ vào cuốn tiểu thuyết Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà của đại văn hào Victor Hugo. Không những là cảm hứng cho văn học, nghệ thuật, nhà thờ còn là “nhân chứng” của sự thăng trầm lịch sử trên thủ đô Paris. Từ cuộc Cách mạng Pháp, sự kiện Công xã Paris đến hai cuộc chiến tranh thế giới, “người phụ nữ của Paris” luôn được xem là biểu tượng sức mạnh của thủ đô và di sản văn hóa Pháp. Nơi đây đã tổ chức đám cưới hoàng gia, thánh hiến của hoàng đế Napoleon Bonaparte. Đó cũng là nơi công chúng tôn vinh cuộc sống của những người vĩ đại và tốt đẹp.

Nổi tiếng nhất có lẽ là chiếc chuông tên Emmanuel vì luôn được ngân lên để đánh dấu những sự kiện quan trọng của Pháp và thế giới. Không những trong lễ đăng quang của các vị vua, các chuyến thăm của giáo hoàng, nó còn đánh dấu sự phá hủy của tháp đôi New York vào ngày 11-9-2001. Phần lớn kiến trúc quan trọng của nhà thờ nay đã bị phá hủy sau vụ hỏa hoạn. Theo tờ The Washington Post, châu Âu có nhiều tòa kiến trúc lịch sử đã được xây dựng lại sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng một số chuyên gia lo ngại mất mát không kể xiết của nhà thờ Đức Bà hôm nay là không thể phục hồi.

Một góc bên trong nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp vào năm 2018. Ảnh: TUẤN MARK

Vẻ đẹp bất tử

Tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc đến nhà thờ như một hiện thân của Pháp. Theo ông, đó là lịch sử, văn học, nguồn cảm hứng của Pháp. Nhà thờ là một phần của tất cả người dân Pháp và ai cũng rất đau lòng khi trông thấy niềm tự hào của quốc gia đang chìm trong biển lửa.

Trong những năm qua, Paris đã hứng chịu nhiều mất mát và thậm chí cả bi kịch. Chắc không ai có thể quên vụ xả súng tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo với hơn 20 người thương vong trong một cuộc họp tháng 1-2015.

Hiện nay Pháp có 44 di sản thế giới, 39 trong số này là di sản văn hóa. Nhà thờ Đức Bà là một phần của quần thể Paris và công trình hai bờ sông Seine do tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận năm 1991. Quần thể còn bao gồm các cây cầu, bến cảng, bờ sông Seine trong khu di tích lịch sử và hai đảo Ile de la Cité, Ile St Louis. Toàn quần thể có diện tích khoảng 365 ha. 

Cùng năm đó, một loạt vụ nổ súng và các vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra, cướp đi mạng sống của ít nhất 132 người. Riêng tại phòng hòa nhạc Bataclan ở trung tâm Paris, nơi khoảng 1.500 khán giả đang thưởng thức nghệ thuật, những kẻ tấn công bắt giữ và giết 89 người. Cuộc tấn công được xem là đẫm máu nhất tại Pháp kể từ Thế chiến thứ hai. Chính quyền Paris tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra lệnh giới nghiêm. An ninh được thắt chặt ở bất kỳ nơi nào có đám đông.

Trải qua bao cơn ác mộng, lòng người luôn vững vàng, Paris đã chứng minh là không thể bị phá hủy dù phải đối mặt với nhiều đổi thay. Trong biển lửa dữ dội nuốt chửng lấy nhà thờ, hàng ngàn người đã tập trung tại các đường phố xung quanh. Một số bật khóc trong khi những người khác hát thánh ca. Nhiều người ôm chầm lấy người bên cạnh dù không quen biết. Họ không thể làm gì khác hơn là nhường lối đi cho các lực lượng cứu hỏa và cầu nguyện hy vọng. Giữa những cuộn khói và sức nóng từ mọi phía, chỉ có sự im lặng bao trùm lấy kinh đô ánh sáng Paris.

Tờ The Guardian cho hay đối với nhiều người dân Paris, địa danh với hai tòa tháp vuông dọc theo sông Seine này là trái tim của thành phố. Và đó cũng là trái tim của khoảng 13 triệu du khách thế giới mỗi năm. Trước nỗi đau từ Paris, cộng đồng quốc tế nhớ đến sự kiện khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phá hủy các di tích quý giá ở Iraq, Syria và Libya nhằm tiêu diệt nền văn hóa và sự phát triển tôn giáo nhân loại. Cuối cùng, IS cũng bị tiêu diệt.

Trong những lo ngại về số phận của cửa sổ lăng kính màu “hoa hồng” và nhiều đồ có giá trị lịch sử bên trong nhà thờ, chính phủ Pháp cam kết sẽ xây dựng lại tòa kiến trúc vĩ đại này và họ không phải làm điều này một mình. Có thể nhà thờ sẽ không còn nguyên vẹn như đã từng nhưng những điều tốt đẹp sẽ tiếp tục được xây dựng và vẻ lịch lãm của nhà thờ Đức Bà, vốn đã trở thành bất tử với thời gian, sẽ tiếp tục gia tăng và trường tồn trong tương lai.

Đây là vụ hỏa hoạn khủng khiếp, tàn phá một trong những kho báu vĩ đại của thế giới. Đó là một phần của sự phát triển, văn hóa cũng như cuộc sống của chúng ta.

Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP

Đây là một trong những công trình vĩ đại của thế giới và chúng tôi đang hướng về người dân nước Pháp để chia sẻ nỗi đau buồn vô hạn này.

Cựu tổng thống Mỹ BARACK OBAMA

Nhà thờ Đức Bà là một biểu tượng lịch sử của Pháp, một kho báu vô giá của châu Âu, văn hóa châu Âu và thế giới, một trong những nơi thờ tự quan trọng của người Công giáo. Thảm họa xảy ra trong đêm ở Paris đã khiến người dân Nga đau lòng. Nga hy vọng Pháp sẽ có thể xây dựng lại nhà thờ Đức Bà và Nga muốn cử những chuyên gia Nga giỏi nhất với kinh nghiệm sâu rộng về khôi phục các di sản văn hóa thế giới, bao gồm các công trình kiến trúc Trung cổ, hỗ trợ Pháp.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN

Tôi chia sẻ nỗi buồn với người Pháp tối nay và với đội cứu hộ khẩn cấp đang phải chiến đấu với ngọn lửa khủng khiếp ở nhà thờ Đức Bà.

Thủ tướng Anh THERESA MAY

Tôi rất buồn khi thấy những hình ảnh khủng khiếp này của nhà thờ Đức Bà, biểu tượng của nước Pháp và của văn hóa châu Âu chúng ta đang chìm trong biển lửa.

Thủ tướng Đức ANGELA MERKEL

_____________________________

(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm