'Nhật Bản nhượng bộ Trung Quốc trên Hoa Đông'

Trong thỏa thuận 4 điểm mà bộ ngoại giao hai nước ký kết ngày 7-11, Nhật Bản đã thừa nhận về "sự tồn tại của các bên khác nhau" cùng tuyên bố sở hữu đối với vùng đảo Senkaku. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngay lập tức khẳng định chủ quyền của Nhật Bản trên vùng đảo này là không thay đổi, bất chấp những thỏa thuận mới đạt được. Tuy nhiên, theo phân tích của giới truyền thông, việc đi từ lập trường về chủ quyền không thể chối bỏ của Nhật Bản đối với Senkaku, đến việc thừa nhận sự tồn tại các bên khác nhau trong vấn đề Senkaku, đã thể hiện rõ một sự nhượng bộ từ phía Nhật Bản. 

Tàu tuần tra Trung Quốc trên biển Hoa Đông  (Ảnh: tân hoa Xã)

Trước nay, Nhật Bản vẫn cương quyết không thừa nhận “thực trạng” này vì nó sẽ làm tăng vị thế của Bắc Kinh đối với vấn đề tranh chấp. Vì thế, trước những thỏa thuận mới này, ta có thể xem sách lược biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp của Trung Quốc đã áp dụng thành công lên vùng đảo Senkaku và chính quyền của ông Shinzo Abe. 

Tờ báo nổi tiếng “diều hâu” của Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu, đã xem “sự thừa nhận” của Nhật Bản như là một “chiến thắng ngoại giao” to lớn của Trung Quốc. Một số tờ báo lớn của Nhật Bản như Shimbun Tokyo và Asahi Shimbun cũng đã thừa nhận động thái này là cho thấy dấu hiệu Nhật Bản cuối cùng đã nhượng bộ trong cuộc đối đầu tại vùng biển Hoa Đông.

Vấn đề Senkaku đã trở thành một mối bất hòa lớn nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Nhật Bản "quốc hữu hóa" quần đảo trong tháng 9-2012 nhờ mua một số hòn đảo từ chủ sở hữu tư nhân. Nhiều cuộc biểu tình “chống Nhật” đã nổ ra trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc còn thiết lập vùng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trọn luôn toàn bộ vùng đảo Senkaku, khiến cho Nhật Bản và cộng đồng quốc tế chỉ trích kịch liệt.

Các quan sát viên chính trị cho rằng Nhật Bản đã nhượng bộ Trung Quốc để Thủ tướng Abe có thể hội đàm mặt-đối-mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh cấp cao Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh vào ngày 10-11 vừa qua. 

Sau cuộc gặp, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: “Tôi đã đề nghị ông Tập Cận Bình thiết lập một cơ chế liên lạc hàng hải. Hai bên sẽ sớm làm việc và đưa ra các bước cụ thể để đạt mục tiêu này”. Mục đích nhằm ngăn chặn các vụ va chạm trong tương lai giữa tàu và máy bay hai nước trên biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác đã cho rằng, "căng thẳng chính trị" giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không biến mất cho đến khi Thủ tướng Abe chấm dứt các chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Nhật Bản đến đền Yasukuni ở Tokyo, để tưởng niệm những binh sĩ và cả các tướng lĩnh bị kết án gây ra các tội ác chiến tranh trong thế chiến thứ hai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm