Nhật đối phó giàn khoan Trung Quốc

Hãng tin Reuters ngày 18-7 dẫn nguồn tin độc quyền cho biết Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Nhật đã chỉ thị cho hai tàu khảo sát địa chất Shigen và Hakurei sẵn sàng triển khai ra biển Hoa Đông. Mục đích nhằm tiến hành giám sát sau khi Nhật phát hiện Trung Quốc xây dựng một giàn khoan khí đốt trên biển Hoa Đông.

Theo Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp, dự kiến hai tàu khảo sát địa chất sẽ hoạt động ở khu vực đường trung tuyến (đường ranh giới tạm thời trên biển Hoa Đông do Nhật đề xuất).

Khi được hỏi về kế hoạch triển khai hai tàu khảo sát địa chất, người phát ngôn của Thủ tướng Shinzo Abe nói: “Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ phản ứng của Trung Quốc đối với những lo ngại mà chúng tôi đã truyền đạt qua các kênh ngoại giao, rồi sau đó chúng tôi sẽ suy tính về các bước đi tiếp theo”.

Reuters nhận định Nhật dường như bất ngờ vào ngày 17-7 khi biết chuyện Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) chuẩn bị xin Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc phê duyệt kế hoạch phát triển bảy mỏ khí đốt mới trên biển Hoa Đông.

Nhật đối phó giàn khoan Trung Quốc ảnh 1

Giàn khoan thăm dò khí đốt của Trung Quốc đang được xây dựng gần đường trung tuyến trên biển Hoa Đông. Ảnh: KYODO

Liên quan đến vấn đề biển Đông, ngày 19-7 tại Bắc Kinh, Viện Nghiên cứu các vấn đề biển (Cục Quản lý Hải dương nhà nước Trung Quốc) đã tổ chức hội thảo lần thứ hai về hợp tác và phát triển ở biển Đông. Theo Tân Hoa xã, hơn 60 chuyên gia Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Malaysia, Mỹ, Anh và một số tổ chức quốc tế tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phủ nhận Trung Quốc gây ra tranh chấp ở biển Đông khi nói: “Mặc dù tranh chấp biển Đông không do Trung Quốc tạo ra nhưng Trung Quốc đã giữ thái độ có trách nhiệm và tìm kiếm các giải pháp thông qua đàm phán”.

Ông Trần Liên Tăng, Phó Giám đốc Cục Quản lý Hải dương nhà nước Trung Quốc, ghi nhận biển Đông đã trở thành khu vực có tiềm năng phát triển nhất thế giới. Ông gợi ý củng cố khung hợp tác đa phương hiện tại ở biển Đông và khởi động thêm nhiều dự án hợp tác ở những khu vực ít nhạy cảm.

Trong khi đó tại Mỹ, ngày 18-7 (giờ địa phương), tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ thuộc ĐH George Washington ở Washington D.C, Phó Tổng thống Joe Biden đã có buổi nói chuyện về chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Joe Biden ghi nhận mục đích của chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương không chỉ nhằm bảo đảm khu vực này an toàn hơn mà còn thịnh vượng hơn. Ông cho biết Mỹ sẽ tập trung giải quyết các rủi ro trong khu vực như thảm họa nhân đạo, xáo trộn giao thương, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, xung đột giữa các quốc gia.

Để đối phó các thách thức này, Mỹ cần phải có các mối quan hệ đồng minh, đối tác vững mạnh nhằm gắn kết các nước trong khu vực lại với nhau. Ông cho biết Mỹ đặt mục tiêu sẽ hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương trong năm nay.

Về tranh chấp ở biển Đông, ông nhận xét Trung Quốc và ASEAN phải thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), trong đó đưa ra các tiêu chuẩn được chấp nhận trên thế giới về thái độ ứng xử. Ông nói COC cần bảo đảm không có đe dọa, gây hấn ở biển Đông, đồng thời các bên phải cam kết giảm rủi ro tính toán sai lầm.

Ngày 19-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố chính phủ Philippines sẽ không ngăn cấm sáng kiến biểu tình vào ngày 24-7 do tổ chức Liên minh biển Tây Philippines phát động nhằm phản đối tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Philippines. Người phát ngôn khẳng định người dân Philippines có quyền bày tỏ lập trường và tình cảm của họ một cách hòa bình về vấn đề biển Đông.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm