Nhật lập tiền đồn chặn Trung Quốc

Ngày 28-3, trạm radar phụ trách thu thập thông tin tình báo trên đảo Yonaguni (Nhật) đã bắt đầu hoạt động.

160 quân trên đảo

Báo Asahi Shimbun (Nhật) đưa tin cùng ngày, lực lượng phòng vệ Nhật đã làm lễ ra mắt căn cứ mới với 160 quân bố trí trên đảo Yonaguni.

Đảo Yonaguni cách lãnh thổ Đài Loan khoảng 100 km, tọa lạc ở cực tây quần đảo Nansei, cách quần đảo Senkaku tranh chấp với Trung Quốc 150 km. Đảo rộng 30 m2, hiện có 1.500 dân sinh sống.

Tại lễ trao cờ cho đơn vị mới, Trung tướng Kiyoshi Ogawa khẳng định: “Bố trí đơn vị phòng vệ trong khu vực quần đảo Nansei đã thể hiện cam kết bảo vệ tổ quốc của chúng ta”.

Đại tá Masashi Yamamoto, tùy viên quân sự đại sứ quán Nhật tại Mỹ, giải thích Nhật cần củng cố năng lực tình báo trong bối cảnh căng thẳng từ Triều Tiên và hoạt động xâm nhập của Trung Quốc.

Phản ứng trước sự kiện này, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố “cộng đồng quốc tế cần cảnh giác với ý đồ bành trướng quân sự Nhật”. Bộ cho rằng hành động của Nhật là khiêu khích và khăng khăng nói quần đảo Senkaku của Trung Quốc.

Lễ thượng cờ trên đảo Yonaguni (Nhật) sáng 28-3. Ảnh: REUTERS

Cuộc điện đàm bí mật

Cùng ngày 28-3, báo Nikkei Asian Review (Nhật) đã đăng bài viết với đầu đề “Lý do thực sự Bắc Kinh tránh né Tokyo”.

Báo tiết lộ hôm 14-3 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida đã liên tục gọi điện thoại và cuối cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã bắt máy.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 45 phút, hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên và quan hệ song phương.

Một quan chức Nhật tiết lộ hai bên đã nhất trí hợp tác thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng đồng thời nhất trí lên lịch trình cho chuyến thăm của ông Fumio Kishida đến Bắc Kinh.

Đối với tiến trình hàn gắn quan hệ Nhật-Trung thì cuộc thảo luận dường như không mấy suôn sẻ. Hai bên đã tranh cãi gay gắt về vấn đề biển Đông. Ông Fumio Kishida không nêu chi tiết cuộc điện đàm với báo giới.

Có thông tin nói rằng ông Vương Nghị đã yêu cầu Nhật không nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng G-7 vào tháng 4 và hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng sau đó ở Nhật.

Từ tháng 11-2015, quan hệ căng thẳng Nhật-Trung có vẻ như được cải thiện nhờ cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Hai bên đã đồng ý tổ chức Đối thoại Kinh tế cấp cao Nhật-Trung càng sớm càng tốt, nối lại thương thảo về vấn đề cùng khai thác các mỏ khí đốt trên biển Hoa Đông và nhanh chóng khởi động Cơ chế Thông tin liên lạc hàng hải và hàng không nhằm ngăn ngừa khủng hoảng hay va chạm.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã không hưởng ứng nỗ lực của Tokyo. Một số ý kiến hy vọng cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida và ông Vương Nghị sẽ làm thay đổi tình hình nhưng tất cả đều thất vọng.

Ván bài Đài Loan

Trung Quốc cáo buộc Nhật kìm hãm tiến trình hàn gắn quan hệ bằng cách nhúng tay vào tình hình biển Đông. Tuy nhiên, báo Nikkei Asian Review dẫn lời một chuyên gia Mỹ cho biết thực ra Trung Quốc lo ngại nhiều hơn về quan hệ Nhật-Đài Loan.

Chính quyền sắp mãn nhiệm của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu (Quốc dân đảng) chủ trương thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Trái lại, chính quyền sắp tới do đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn lãnh đạo muốn độc lập cho Đài Loan và một bộ phận trong đảng đã kêu gọi cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Trung Quốc lo ngại Nhật có thể xúc tiến quan hệ hữu hảo với chính quyền mới của Đài Loan nhằm gây sức ép với Bắc Kinh. Trên thực tế đã có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó.

Thủ tướng Shinzo Abe từng thăm Đài Loan với tư cách quan chức đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập và đã gặp bà Thái Anh Văn.

Tháng 10-2015, khi bà sang Nhật, nghị sĩ Nobuo Kishi, bào đệ thủ tướng đã đưa bà đi thăm tỉnh Yamaguchi, quê hương của thủ tướng. Hai người đã bí mật gặp nhau lúc đó dù cả hai đều bác bỏ thông tin này.

Đến nay Bắc Kinh không công khai bất kỳ lo ngại nào về quan hệ Nhật-Đài vì xem Đài Loan là vấn đề đối nội, nếu làm lớn chuyện đồng nghĩa Bắc Kinh thừa nhận ảnh hưởng đang gia tăng của Tokyo.

Quan hệ Trung-Nhật vốn dĩ đã phức tạp vì căng thẳng trên biển Hoa Đông, biển Đông và tranh cãi về lịch sử, nay với tác nhân Đài Loan, tình hình lại càng rối ren hơn.

 

GS Nozomu Yoshitomi ở ĐH Nihon của Nhật nhận định trạm radar Yonaguni sẽ chọc tức Trung Quốc bởi trạm thu thập thông tin tình báo mà còn có thể được sử dụng cho các chiến dịch quân sự trong khu vực. Chuyên gia Tetsuo Kotani ở Viện Quan hệ quốc tế (Nhật) nhận định trạm radar sẽ giúp lực lượng phòng vệ kiểm soát bao quát quần đảo Senkaku và Đài Loan, củng cố sự hiện diện ở quần đảo Miyako (tỉnh Okinawa), đảo Amami-Oshima và các đảo khác ở khu vực tây nam đồng thời trở thành tuyến đầu phòng thủ trong công việc cảnh giới Bắc Kinh.

Hãng tin Kyodo dẫn lời chuyên gia Euan Graham ở Viện nghiên cứu Lowy ở Úc nhận xét: “Một trong những lợi ích chiến thuật… là giám sát hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, bao gồm xung quanh quần đảo Senkaku, eo biển Miyako và có thể xa đến eo biển Bashi và cực bắc của biển Đông”. Ông phân tích trạm radar Yonaguni có thể chặn thông tin cao tần với bán kính rộng hơn, bao gồm Trung Quốc đại lục, biển Đông, Nga và Bắc Triều Tiên. Trạm cũng có thể theo dõi pháo hay tên lửa bắn từ CHDCND Triều Tiên.

GS Toshi Yoshihara ở ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ ghi nhận trạm radar Yonaguni nằm giữa Đài Loan và quần đảo Senkaku vốn có nguy cơ trở thành hai thùng thuốc súng. Ông cho rằng mạng lưới radar dọc chuỗi đảo sẽ củng cố thêm khả năng giám sát biển Đông của Nhật. Các tàu Trung Quốc rời bờ biển phía Đông phải đi qua lá chắn này mới ra được Tây Thái Bình Dương trong khi Bắc Kinh cần tuyến đường này để tiếp tế cho các vùng biển khác đồng thời triển khai hải quân.

________________________________

2021  là năm Nhật dự kiến hoàn thành mục tiêu tăng quân số lực lượng phòng vệ trên biển Hoa Đông lên 1/5 (tức gần 10.000 quân) cùng các dàn tên lửa tạo thành hàng rào bảo vệ dọc chuỗi đảo trải dài 1.400 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm