Nhật-Indonesia hợp tác an ninh

Nhật và Indonesia nhất trí bắt đầu đàm phán về thiết lập thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật cho Indonesia. Ngày 17-12, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida thông báo như trên.

Hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin thông báo được đưa ra tại cuộc họp báo chung có mặt hai bộ trưởng Ngoại giao và hai bộ trưởng Quốc phòng của Nhật và Indonesia.

Trước đó, bốn bộ trưởng đã tham dự cuộc hội đàm đầu tiên về an ninh theo thể thức 2+2 tại thủ đô Tokyo của Nhật. Đây cũng là cuộc hội đàm đầu tiên về an ninh giữa Nhật với một nước thành viên ASEAN.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh Indonesia và Nhật đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ Ngoại giao và hai bộ Quốc phòng hai nước, đồng thời tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc hội đàm 2+2.

Trong hội đàm, các bộ trưởng cũng đã thảo luận về tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Kyodo ghi nhận Nhật nỗ lực củng cố hợp tác về an ninh với các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc biểu dương sức mạnh ở biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani khẳng định đối thoại là biện pháp then chốt để giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Nhật và Indonesia khẳng định thượng tôn luật pháp quốc tế và tự do hàng hải là rất quan trọng.


Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tại Tokyo ngày 17-12. Ảnh: AFP-JIJI

Indonesia tránh đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng không thể chấp nhận “đường chín đoạn” của Trung Quốc lại nằm chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna (Indonesia).

GS Mie Oba ở ĐH Khoa học Tokyo (Nhật) nhận định: “Indonesia là nước đứng đầu ASEAN và có ảnh hưởng lớn về chính sách quốc tế của ASEAN… Đối với Nhật, thiết lập và khởi động khuôn khổ 2+2 với cường quốc khu vực Indonesia là điều quan trọng trong củng cố quan hệ Nhật-ASEAN”.

Tại cuộc gặp cấp cao hồi tháng 3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đã nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại 2+2 sau khi Thủ tướng Shinzo Abe đã ký kết với Tổng thống tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono hồi tháng 12-2013 khuôn khổ cho cuộc đối thoại này.

Trong khi đó, tại Úc sau khi Trung Quốc lên tiếng cảnh báo máy bay Úc tuần tra ở biển Đông, kênh truyền hình Sky News (Úc) đưa tin ngày 17-12, bà Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tiếp tục tuyên bố: Úc sẽ tiếp tục bảo đảm tuần tra ở biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà khẳng định Úc sẽ không nhượng bộ với sức ép của Trung Quốc để ngừng các chuyến bay tuần tra ở biển Đông. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn luôn lưu thông theo cách thức rất xây dựng trong khu vực”.

Trung Quốc triệu đại diện lâm thời Mỹ

Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 17-12 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chính phủ Mỹ đã thông báo với Quốc hội quyết định bán cho lãnh thổ Đài Loan gói vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD (Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch này cách đây một năm). Dự án gồm hai tàu hộ vệ lớp Perry, tên lửa chống tăng Javelin và TOW 2B, tên lửa đất đối không Stinger, xe thủy bộ AAV-7, hệ thống C4ISR, thiết bị điện tử dẫn hướng…

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố Trung Quốc phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quan khẳng định Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, kể cả trừng phạt các nhóm liên quan đến bán vũ khí. Ông đã triệu đại diện lâm thời Mỹ Kaye Lee đến để phản đối và khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

14,2 triệu USD (hơn 200 tỉ rupiah) đã được Bộ Quốc phòng Indonesia dự chi cho kế hoạch củng cố căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna nhằm biến Natuna thành Trân Châu Cảng của Indonesia.

 ________________________________________

Giám sát đường biển và đường không là rất quan trọng đối với không quân hoàng gia Úc trong công cuộc duy trì ổn định và an ninh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc MARISE PAYNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm