Nỗ lực ngoại giao thần tốc của Triều Tiên

Chuyện khó ai dám tin cuối cùng đã xảy ra khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát còn bất ngờ hơn nữa khi ông Trump chấp nhận lời mời gặp vào tháng 5-2018.

Thông điệp của Bình Nhưỡng đã được Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc Suh Hoon chuyển đến Tổng thống Trump trong cuộc gặp ngày 8-3 tại Nhà Trắng. Ngoài Tổng thống Trump, cuộc gặp còn có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly.

Bất ngờ từ cả hai bên

Mới đầu tuần này, phái đoàn cấp cao Hàn Quốc đến Triều Tiên đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp đón trọng thị. Trước khi sang Mỹ thông báo về kết quả chuyến đi, hai giám đốc cơ quan tình báo, an ninh Hàn Quốc tiết lộ phía Triều Tiên nhờ họ chuyển một thông điệp riêng đến Mỹ.

Theo Washington Post, Nhà Trắng đêm 8-3 (giờ địa phương) đã diễn ra một cảnh tượng đặc biệt khác thường. Ông Chung, một quan chức nước ngoài, đã tổ chức họp báo ở Nhà Trắng về kế hoạch của tổng thống Mỹ mà không có quan chức nào của Mỹ đứng cùng. Đứng hai bên ông Chung là ông Suh Hoon và Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-jae.

Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng đã xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây. Nhà Trắng vào ngày 9-3 đã xác nhận Tổng thống Trump chấp nhận lời mời của ông Kim nhưng qua thông điệp ông Chung chuyển lại chứ không phải từ thư chính thức của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhà Trắng chấp nhận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và mong đợi giải trừ hạt nhân Triều Tiên nhưng trong thời gian này Mỹ vẫn duy trì trừng phạt và tối đa hóa áp lực.

Quyết định gặp và gặp thật sớm của ông Trump đã gây bất ngờ lớn. Bản thân tổng thống Mỹ từng khuyên Ngoại trưởng Rex Tillerson hồi tháng 10-2017 đừng “lãng phí thời gian” tìm cách đối thoại với Triều Tiên.

Tại Nhà Trắng đêm 8-3, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc (giữa) và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (trái) thông báo về kế hoạch gặp nhau giữa hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: GETTY

Điểm bất ngờ thứ hai là sự nhượng bộ của Triều Tiên, bày tỏ sự “thông cảm” cho việc Mỹ và Hàn Quốc phải tiếp tục các cuộc tập trận quân sự thường niên. Trước nay Triều Tiên luôn đặt điều kiện tiên quyết là ngưng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn nếu muốn đối thoại. Hai nguồn tin quốc phòng Mỹ trả lời đài CNN ngày 7-3 rằng hai cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vẫn sẽ được tiến hành theo kế hoạch: “Đại bàng non” sẽ bắt đầu từ ngày 1-4, “Giải pháp then chốt” sẽ diễn ra nửa cuối tháng 4.

Nếu địa điểm cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên nằm bên ngoài bán đảo Triều Tiên thì đó sẽ là điều chưa từng có tiền lệ. Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước nếu diễn ra sẽ là cuộc gặp mang tính cột mốc lịch sử.

Từ khi nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên đến nay, ông Kim chưa từng gặp lãnh đạo của bất kỳ nước nào, kể cả nước láng giềng Trung Quốc. Cho đến nay chưa từng có cuộc gặp trực tiếp nào hay thậm chí là điện đàm giữa tổng thống đương nhiệm Mỹ và lãnh đạo đương nhiệm Triều Tiên. Ông Jimmy Carter từng gặp ông Kim Nhật Thành. Ông Bill Clinton cũng từng gặp ông Kim Jong-il. Nhưng đó là khi các tổng thống Mỹ đã rời Nhà Trắng.

Triều Tiên đã ngán trừng phạt?

Nhiều nhà phân tích đồng ý nhận định của ông Trump rằng sở dĩ ông Kim bất ngờ thể hiện quan tâm đến đối thoại là vì các lệnh trừng phạt đã bắt đầu gây tổn thương mạnh, ngoài ra ông Kim cũng thật sự lo khả năng Mỹ sẽ đánh phủ đầu.

Ở một chiều hướng khác, không ít ý kiến cho rằng ông Kim muốn đàm phán vì giờ đã tự tin hơn với chương trình vũ khí của mình. Tháng 11-2017, ông Kim Jong-un đã chính thức tuyên bố Triều Tiên hoàn tất chương trình tên lửa và sẵn sàng đối phó với Mỹ với vị thế của một cường quốc hạt nhân. Trong khi đó, đài truyền hình CNN đưa nhiều ý kiến cho rằng ông Kim đang tận dụng cuộc gặp thượng đỉnh để tạo cho Triều Tiên hình ảnh “ngang hàng” với Mỹ.

Mặt khác, với những lợi thế đang nắm trong tay, ông Kim có thể tin bản thân đủ sức thuyết phục được ông Trump trong cuộc gặp mặt đối mặt lần này, mang về một thỏa thuận có lợi cho Triều Tiên. Nhận định về quan điểm này, nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho rằng việc ông Trump thất bại trong cuộc đàm phán là điều khó xảy ra và ông Kim Jong-un đang chơi một canh bạc lớn. Về phần mình, có vẻ ông Trump cũng tự tin bản thân sẽ tác động được nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Theo New York Times, nếu cuộc gặp diễn ra sẽ là một chiến thắng với ông Kim Jong-un trong quá trình xây dựng hình ảnh và tìm sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Theo Reuters, nhiều cố vấn của ông Trump vẫn còn băn khoăn về các bước đi ngoại giao thần tốc của Triều Tiên trong ba tháng qua. Nhiều quan chức và chuyên gia Mỹ nói với Reuters rằng có thể Triều Tiên đang câu giờ để hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân.

Các đảng chính trị Hàn Quốc đã hoan nghênh tin lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp nhau. Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau cuộc gặp với phía Hàn Quốc. Họp báo sáng 9-3, Thủ trướng Abe cho biết ông đã thống nhất với ông Trump qua điện thoại sẽ tiếp tục tăng áp lực lên Triều Tiên, đồng thời cho biết sẽ tới Mỹ tháng tới để bàn cụ thể với ông Trump về Triều Tiên.

________________________________

“Tiến trình đối thoại đang được thực hiện nhưng các lệnh trừng phạt vẫn sẽ được duy trì đến khi đạt được thỏa thuận. Cuộc gặp đang được lên kế hoạch” - Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter tối 8-3 về khả năng gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm