Nước nào có thể tổ chức trưng cầu ý dân?

Theo nghiên cứu của Viện Vì dân chủ và hỗ trợ bầu cử cùng Hội đồng Các khu vực EU, trong các nước EU có bốn nước Đức, Bỉ, Cộng hòa Czech và Cyprus không thể tổ chức trưng cầu ý dân vì hiến pháp không cho phép.

Tại Đức, luật cấm tổ chức trưng cầu ý dân ở cấp liên bang (trưng cầu ý dân ở bang thì được), trừ khi có hiến pháp mới hoặc tổ chức lại biên giới các bang. Hiến pháp Bỉ cấm trưng cầu ý dân và chỉ cho phép tổ chức tham vấn nhân dân ở các vùng nhưng không phải vấn đề nào cũng được đưa ra tham vấn.

Hiến pháp Cộng hòa Czech chỉ cho phép trưng cầu ý dân ở cấp địa phương trừ khi Quốc hội ban hành nghị quyết đặc biệt. Tại Cyprus, trưng cầu ý dân chỉ được tổ chức ở cấp thành phố.

Các nước khác trong EU được tổ chức trưng cầu ý dân nhưng mỗi nước có quy định riêng. Tại 13 nước, cử tri có quyền đưa ra sáng kiến trưng cầu ý dân. 13 nước này gồm Áo, Ý, Hà Lan, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Slovakia, Bulgaria, Hungary, Croatia, Malta, Litva, Latvia, Slovenia.

Mỗi nước quy định ngưỡng cử tri khác nhau. Áo quy định với tối thiểu 100.000 cử tri, Quốc hội phải tổ chức trưng cầu nhưng không bắt buộc tuân theo kết quả trưng cầu. Tại Bulgaria, số tối thiểu là 0,5 triệu cử tri nhưng Quốc hội có quyền phong tỏa.

Tại Hungary, trưng cầu ý dân mang tính bắt buộc nếu có 200.000 cử tri yêu cầu và có thể được xem xét nếu tổng thống, chính phủ hoặc 100.000 cử tri yêu cầu.

Croatia và Malta quy định 10% cử tri. Ý yêu cầu 0,5 triệu cử tri hay năm vùng. Trưng cầu ý dân chỉ nhằm bãi bỏ luật, trừ các luật về thuế, ngân sách, ân xá và điều ước quốc tế.

Hà Lan cho phép trưng cầu ý dân mang tính chất tham khảo ý kiến đối với một luật mới ban hành, trừ luật ngân sách, hiến pháp.

Còn tại 10 nước, nhà nước (cơ quan hành pháp hay quốc hội) sẽ quyết định tổ chức trưng cầu ý dân. 10 nước gồm Pháp, Anh, Ireland, Đan Mạch, Thụy Điển, Hy Lạp, Estonia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Romania.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm